SCB dự kiến tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng

Tên của bạn (*)

(ĐTTCO) - Ngày 25-4, ĐHĐCĐ thường niên của SCB đã đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 379.248 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 230.529 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng, tăng 64,86% so với mức lợi nhuận 111 tỷ đồng trong năm 2015.

Tăng vốn điều lệ

Năm 2016, SCB đặt mục tiêu tái cơ cấu tài chính, tập trung xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ bán cho VAMC; giảm dần tỷ trọng cho vay liên quan đến dự án bất động sản, cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng giảm sự mất cân đối về kỳ hạn và ngành nghề, trong đó chú trọng phát triển tín dụng bán lẻ và tăng trưởng cấp tín dụng bổ sung vốn ngắn hạn. HĐQT SCB cho biết tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng đến năm 2016 và tăng lên 18.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Tại đại hội lần này, SCB cũng đã trình cổ đông xin tăng vốn điều lệ năm 2016 với số vốn tăng dự kiến 1.705 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép). Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có uy tín, có năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ trong phát triển sản phẩm, dịch vụ NH, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại.

Tiêu chí lựa chọn cổ đông hiện hữu/nhà đầu tư trong nước là cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện do SCB quy định. Tổng số lượng nhà đầu tư trong đợt phát hành tối đa 99. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình tại NH cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 5 năm, kể từ thời điểm trở thành nhà đầu tư chiến lược ghi trong văn bản chấp thuận của NHNN Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu 10% vốn điều lệ trở lên của NH không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 3 năm, kể từ khi sở hữu từ 10% vốn điều lệ NH.

Giá bán theo thỏa thuận giữa SCB và các nhà đầu tư/cổ đông nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá. Toàn bộ số cổ phần cổ đông không đăng ký mua sẽ được HĐQT quyết định chào bán cho các đối tượng khác với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần. Lộ trình thực hiện dự kiến trước ngày 31-12-2016. Phương án sử dụng vốn sau khi tăng thêm gồm đầu tư vào tài sản cố định 300 tỷ đồng, đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin 200 tỷ đồng, đầu tư xây dựng sửa chữa trụ sở các chi nhánh 70 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn kinh doanh 1.135 tỷ đồng. Trong năm 2015, NH này cũng đã hoàn tất phương án tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng nâng vốn điều lệ lên 14.295 tỷ đồng.

Đoàn chủ tịch ĐHĐCĐ SCB.
Đoàn chủ tịch ĐHĐCĐ SCB.

Cổ đông chất vấn cổ tức

Trong phần thảo luận, cổ đông đánh giá hoạt động kinh doanh năm 2015 tốt hơn so với năm 2014, tỷ lệ lãi trên thu nhập năm 2015 chiếm 25% nhưng cũng bày tỏ thắc mắc về việc SCB không chia cổ tức cho cổ đông. Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cổ đông cho rằng NH tạo được lợi nhuận phải chia cổ tức, nhưng ngoài việc thể hiện lợi ích bằng tiền có những thứ có thể coi là tương đương tiền, đó là thương hiệu của SCB đang được nhận biết trên thị trường, cơ sở vật chất ngày càng thay đổi hiện đại… Cụ thể, cơ cấu chi phí hoạt động năm 2015 là 49%, cao hơn 2014 là 3%. Phần tăng này để đầu tư như đầu tư mạng lưới do hệ thống mạng lưới giao dịch xập xệ cho đến lúc HĐQT quyết định sửa lại; đầu tư công nghệ thông tin vì nếu không  một giao dịch sẽ mất 40 phút, trong khi các NH khác chỉ mất 10 phút; đầu tư đào tạo tuyển dụng nhân sự để thay đổi bộ mặt SCB. Còn chi phí dự phòng năm nay lớn là vì bán nợ cho VAMC.

Đến nay, SCB đã trích lập dự phòng 40% trong số 100% khoản nợ bán cho VAMC, dự kiến 2 năm nữa sẽ trích lập được 80%. Tài sản bán cho VAMC là bất động sản của những khách hàng gặp khó khăn, do chênh lệch giữa quá trình triển khai dự án và việc trả nợ dẫn đến nợ xấu. Khi bán cho VAMC, NH nhận trái phiếu đặc biệt nhưng cũng kêu gọi sự đóng góp của cổ đông, chấp nhận hy sinh cổ tức để trích lập dự phòng vì tài sản vẫn nằm y nguyên tại NH, nếu thị trường tốt sẽ bán tài sản thu hồi nợ, đương nhiên phần dự phòng trích lập sẽ hoàn đủ cho cổ đông. Hay như việc SCB nắm 70% Bảo Long, nhiều cổ đông đã tiếp xúc trực tiếp Bảo Long và SCB đặt vấn đề mua lại cổ phần với giá cao, vì họ cho rằng nếu Bảo Long có NH sẽ phát triển tốt và ngược lại, nhưng SCB thấy chưa cần thiết bán... Những điều này cho thấy tuy SCB không tạo ra giá trị cổ tức bằng tiền nhưng tạo ra được giá trị tiềm ẩn cho thị trường.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc SCB là NH đầu tiên được nâng tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 50%, ông Văn cho biết NHNN đã đồng ý cho SCB tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên 50% vốn điều lệ, hiện SCB cũng đang xem xét và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho mình. Tại đại hội, SCB cũng đã miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 đối với ông Võ Thành Hùng theo đơn từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Theo đó, HĐQT SCB còn lại 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập vẫn đảm bảo số lượng và thành phần theo quy định.

Các tin khác