Sẽ cho bán khống, cuộc chơi khắc nghiệt

(ĐTTCO) - Dự thảo Thông tư về Hướng dẫn giao dịch chứng khoán đang được lấy ý kiến đã thổi luồng gió mới, kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ sôi động hơn khi cho phép các giao dịch “cao cấp” hơn như bán khống có đảm bảo và giao dịch trong ngày. Giới đầu tư đã mong chờ điều này từ lâu và nếu được cho phép chính thức sẽ tạo ra sự công bằng.

Sẽ cho bán khống, cuộc chơi khắc nghiệt
Bán khống không xấu
Cần phải nói ngay rằng việc bán khống đã có từ lâu, nhưng phần lớn nằm trong vòng bí mật và chỉ một số nhà đầu tư (NĐT) có thể tiếp cận dịch vụ này. Có những công ty chứng khoán đã “xây kho” cổ phiếu (CP) để cung cấp dịch vụ bán khống. Điều này phản ánh nhu cầu thực tế. 
Bán khống CP là một hình thức vay mượn CP để bán khi NĐT không sở hữu CP đó, sau đó mua lại để trả. Đây là chiến lược giao dịch giúp NĐT kiếm lời khi trong thị trường giá xuống, và một khía cạnh nào đó giúp hạ nhiệt các bong bóng giá CP. Hiện tại khi giá CP tăng quá nóng, yếu tố duy nhất hạ nhiệt là hoạt động chốt lời, tức là người đang sở hữu bán CP ra.
Áp lực chốt lời này có thể không cản được sức mạnh từ phía NĐT mua vào đầu cơ giá lên. Nếu các NĐT khác không sở hữu CP cũng được vay mượn để bán ra, lực cản sẽ gia tăng lớn gấp nhiều lần. Ngược lại, khi thị trường hay CP sụt giảm giá mạnh, hoạt động mua lại để hoàn trả CP đã bán khống cũng sẽ làm gia tăng sức cầu bên cạnh hoạt động bắt đáy thông thường, hạn chế nguy cơ giá giảm quá mức.
Ngoài lý do kỹ thuật của hệ thống vay và cho vay chứng khoán, yếu tố khiến hoạt động bán khống chưa được triển khai chính thức là mối lo ngại về rủi ro của hình thức giao dịch này. Bởi các cuộc khủng hoảng trên TTCK đều bị khuếch đại từ hoạt động bán khống. Năm 2008-2009, các TTCK phát triển như châu Âu, Mỹ cũng phải cấm giao dịch bán khống. 
Thị trường Việt Nam quy mô vừa nhỏ, lại có tính đầu cơ cao trong khi NĐT hay đổ lỗi sự thua lỗ của chính mình cho các yếu tố thị trường. Trong một thị trường giá xuống, bán khống có thể giúp một bộ phận nhỏ NĐT chuyên nghiệp kiếm lời, nhưng phần lớn NĐT khác sẽ chịu tác động.
Do vậy điểm khác biệt và mang tính an toàn hơn trong quy định bán khống trên thị trường Việt Nam đang được lấy ý kiến là hình thức “bán khống có bảo đảm”. Không chỉ phải trả lãi suất vay CP, NĐT muốn bán khống phải có tài sản thế chấp lúc vay. Điều này về lý thuyết góp phần hạn chế quy mô có thể vay mượn. 

Những chiêu trò mới khiến cuộc chơi thêm khắc nghiệt
Việc có đầy đủ các phương thức giao dịch sẽ đưa TTCK Việt Nam tiệm cận với trình độ của các thị trường phát triển. Tuy vậy trình độ NĐT có tiệm cận được hay không chắc chắn sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề.
Ngay như hiện tại, khi mới có một thị trường phái sinh sơ khởi với mức giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số và chứng quyền ở quy mô rất nhỏ, không ít NĐT đã đổ lỗi cho sự thao túng trên thị trường cơ sở để phục vụ hoạt động đầu cơ trên thị trường phái sinh. Tác động qua lại trong giao dịch là điều khó tránh khỏi, nhưng chỉ riêng việc NĐT đổ lỗi sai lầm của mình cho biến động của thị trường cũng đã thể hiện tâm lý thua cuộc, cũng như không muốn tự chịu trách nhiệm.
Khi có thêm các hình thức giao dịch mang tính đầu cơ cao hơn như bán khống, giao dịch trong ngày, mức biến động của thị trường sẽ còn kinh khủng hơn nữa. Đơn cử như hiệu ứng cover các vị thế bán khống sẽ làm gia tăng biên độ đảo chiều giá trên thị trường cơ sở, cường độ của các bull-trap (bẫy tăng giá) sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại. Xác suất NĐT “bình thường” mắc sai lầm trong các biến động ngắn hạn đó sẽ càng lớn và rủi ro thua lỗ cũng sẽ cao hơn nhiều hiệu ứng của hoạt động “kéo-xả” trên thị trường hiện tại.
Biến động mạnh trên thị trường cơ sở cũng sẽ ảnh hưởng liên thông tới thị trường phái sinh. Việc lựa chọn thời điểm các vị thế bán khống trên thị trường cơ sở đủ lớn để tác động tạo hiệu ứng cover là nằm trong khả năng. Đặc biệt phiên bản ngắn hạn hơn của sự phối hợp chiến lược đầu cơ giữa hoạt động giao dịch trong ngày và thị trường phái sinh có thể tạo nên những cơ hội/rủi ro khiến cuộc chơi trở nên khắc nghiệt.
Do giao dịch trong ngày bắt buộc phải bù trừ hoàn toàn vị thế cuối ngày và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ phải là đối tượng chịu trách nhiệm, nên cường độ và khối lượng mua bán đối với CP sẽ gia tăng ở mức tối đa tùy thuộc vào quy mô của tổng vị thế hiện có. Không có gì bất ngờ nếu phiên giao dịch ATC sẽ là thời điểm hiệu ứng đóng vị thế bắt buộc thể hiện rõ nét nhất. 
Các NĐT phái sinh sẽ tận dụng tối đa hiệu ứng này để thực hiện giao dịch đối ứng. NĐT giao dịch trong ngày trước đó bán khống càng nhiều thì cuối ngày phải mua lại càng lớn và ngược lại. Nếu như hiện tại việc gia tăng tỷ lệ lời/lỗ đối với vị thế phái sinh chỉ phụ thuộc vào khả năng đẩy giá hay ép giá CP một cách chủ động và bị giới hạn, thì tới đây nhờ các giao dịch đóng vị thế bắt buộc của giao dịch trong ngày, sức mạnh sẽ được gia tăng đáng kể và hệ quả cũng là dao động sẽ mạnh hơn. 
Không có cách nào để triệt tiêu những hiệu ứng như vậy trên thị trường. Mặc dù các phương thức giao dịch được cung cấp là nhằm đa dạng hóa cơ hội kinh doanh cho NĐT, nhưng sự sáng tạo chiến lược giao dịch là một phần của thị trường. Hiệu ứng tiêu cực/tích cực của sự sáng tạo đó luôn là hai mặt của một đồng xu. Điều duy nhất có thể làm là minh bạch thông tin để hạn chế tác động, chẳng hạn công bố công khai tỷ lệ, quy mô của các vị thế bán khống hay giao dịch trong ngày để thị trường tự điều tiết cân bằng. 
 Trong một thị trường giá xuống, bán khống có thể giúp một bộ phận nhỏ NĐT chuyên nghiệp kiếm lời, nhưng phần lớn NĐT khác sẽ chịu tác động.

Các tin khác