![]() |
(ĐTTC) – Chiều nay 8-6, tham gia giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã báo cáo với Quốc hội một số nội dung lớn liên quan đến đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trong năm 2012 nội dung trọng tâm của đề án tái cấu trúc là xử lý các ngân hàng đặc biệt yếu kém. Hiện nay NHNN đang thực hiện các bước đi đầu tiên và đã thực hiện thanh tra toàn diện 9 ngân hàng yếu kém, thực hiện kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tín dụng này và đã có những kết quả đầu tiên.
Theo Thống đốc, trong tuần qua Thường trực Chính phủ đã thông qua việc xử lý 2 trong số 9 ngân hàng trên và dự kiến mỗi tuần sẽ trình Chính phủ 2 đề án. “Mục tiêu là đến cuối tháng 6 sẽ hoàn tất đề án xử lý cho tất cả các ngân hàng yếu kém” – Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Về phương án xử lý cụ thể, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ chia các ngân hàng ra làm 2 hướng xử lý. Với những ngân hàng buộc phải xử lý như 9 ngân hàng đặc biệt yếu kém đã nêu, sau khi kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập sẽ để các ngân hàng này được phép tự xây dựng phương án xử lý cho mình, chỉ khi không xây dựng được phương án riêng thì NHNN sẽ bắt buộc phải xử lý cho sáp nhập.
Tuy nhiên đến nay, thực tế cả 9 ngân hàng đều đã có phương án cho mình, một là mời nhà đầu tư mới hoặc hai là tìm đối tác trong hệ thống để kịp thời hợp nhất, sáp nhập.
Trước ý kiến nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ rạch ròi chi phí dành cho tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trong điều kiện Việt Nam còn nghèo, chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ trông chờ vào Nhà nước. Có 3 nguồn lực được ngành ngân hàng kỳ vọng, là kêu gọi mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng mới là can thiệp của Nhà nước.
Thời gian qua có nhiều tổ chức trong nước sẵn sàng tham gia tái cấu trúc hệ thống tín dụng. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đăng ký với NHNN để tham gia vào quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN có chủ trương ưu tiên nội lực, khi nào các đối tác nội không thể tham gia mới mời gọi nước ngoài.
Với phương án Nhà nước can thiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết có thể có 2 cách làm, một là NHNN mua cổ phần để tham gia khôi phục các ngân hàng yếu kém sau đó giao, bán để thu hồi vốn. Hai là lập công ty mua bán nợ. Vốn nhà nước nếu tham gia cũng chỉ mang tính đòn bẩy, xử lý trong ngắn hạn. Còn trong trung dài hạn cần phải phát huy các nguồn lực khác.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, với các giải pháp trên, nếu phối hợp nhịp nhàng sẽ xử lý được các ngân hàng yếu kém cũng như thực hiện được thành công quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói chung.