Lý do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm nhẹ và chiến lược để dẫn đầu thị trường trong thời điểm các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt để thu hút CASA là chủ đề được nhiều nhà đầu tư chất vấn đại diện ban điều hành techcombank trong buổi gặp gỡ trực tuyến chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I của nhà băng này.
Trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ CASA của Techcombank đạt 44,2%, vẫn dẫn đầu ngành ngân hàng nhưng giảm nhẹ so với mức 46,1% cuối năm 2020.
Ông Ngô Hoàng Hà, Phó giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch của Techcombank, cho biết sự sụt giảm trên do tính thời vụ trong chu kỳ kinh doanh nên lượng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng doanh nghiệp giảm nhẹ.
Nâng cấp ứng dụng, phát triển hệ sinh thái vì CASA
Ông Hà tự tin số dư CASA sẽ tăng trở lại trong quý II. Đại diện Techcombank nhấn mạnh CASA của mảng bán lẻ vẫn tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm. Về mục tiêu trung dài hạn, Techcombank muốn nâng tỷ lệ CASA lên mức 55% vào năm 2025.
Khi sự cạnh tranh để thu hút CASA ngày càng lớn, hàng loạt ngân hàng đều triển khai các chương trình miễn phí chuyển khoản khiến Techcombank không còn là nhà băng duy nhất có chính sách này. Ông Hà khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, làm những điều khác biệt.
“Chúng tôi hiểu một số khách hàng hiện tại phàn nàn tính ổn định của hệ Techcombank. Chúng tôi chú trọng việc này và sẽ giải quyết, phải đảm bảo để khách hàng giao dịch ổn định, thuận tiện, có nhiều tính năng”, ông Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Quản lý hợp lênh Khối Ngân hàng bán lẻ của Techcombank, chia sẻ một trong những ưu tiên quan trọng nhất của nhà băng này năm 2021 là việc đầu tư cho ứng dụng mobile banking mới dự kiến ra mắt cuối quý III. Năm ngoái, số lượng giao dịch trên mobile app của Techcombank đã tăng vọt và hiện lên tới 45-50 triệu giao dịch mỗi tháng.
Ngoài việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp ứng dụng ngân hàng số, ông Hà cho biết việc phát triển hệ sinh thái, cùng khai thác chuỗi giá trị khách hàng với các đối tác lớn sẽ giúp Techcombank duy trì CASA. Tiền sẽ chỉ di chuyển từ tài khoản cá nhân sang doanh nghiệp và vẫn nằm trong hệ thống của Techcombank.
Sếp Techcombank lấy ví dụ khi cho vay mua nhà của Vingroup, tiền được giải ngân vào tài khoản của Vingroup và dòng tiền vẫn nằm trong Techcombank. Việc cùng khai thác chuỗi giá trị với những đối tác lớn như Vingroup, Masan One Mount Group là điểm khác biệt mà các ngân hàng khác không thể dễ dàng có được.
Chính nhờ tập trung vào CASA nên Techcombank có lợi thế nguồn vốn giá rẻ, giúp biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng này thuộc nhóm cao nhất trong ngành, đạt 5,2% vào quý I. “Chiến lược của chúng tôi là rủi ro thấp nhưng lợi nhuận cao”, ông Hà nhấn mạnh.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao là lợi thế
Chia sẻ sâu hơn về quản trị rủi ro, Phó tổng giám đốc Techcombank Phan Thanh Sơn nói đây là một trong những trụ cột, ưu tiên cao nhất của nhà băng này.
Ông Sơn nhấn mạnh Techcombank luôn lựa chọn các lĩnh vực kinh tế, tập khách hàng, sản phẩm dịch vụ phù hợp với chiến lược phát triển nhưng phải đảm bảo tính quản trị rủi ro.
Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đến hết quý I chỉ là 0,4%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành. Ông Sơn khẳng định ngân hàng Techcombank luôn xây dựng chiến lược để có thể vượt qua các cú sốc của thị trường.
Do đó, trước rủi ro dịch Covid-19 thời gian gần đây diễn biến phức tạp hơn, đại diện ban điều hành Techcombank khẳng định ngân hàng đang quản trị chặt chẽ và vẫn tự tin hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh.
Năm nay, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 19.800 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2020. Sau quý I, ngân hàng báo lãi hơn 5.518 tỷ, hoàn thành 28% kế hoạch năm.
Ông Ngô Hoàng Hà đánh giá với tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ còn 0,4% và đã trích lập dự phòng lớn trong năm 2020, Techcombank đang có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Đây là lợi thế để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 25% khi chi phí trích dự phòng năm nay sẽ thấp hơn nhiều.
Ông Hà cũng nhấn mạnh với cổ đông ngân hàng đã đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi và không chỉ phụ thuộc tín dụng để tăng trưởng 25% lợi nhuận mỗi năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng tiếp tục tối ưu hóa vận hành để giảm chi phí.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) quý I của Techcombank tiếp tục giảm và chỉ còn 28,7%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành.