Hơn tháng nay, Hồng, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội thuộc thế hệ 9x, đều "đi chợ" qua mạng. Cô mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu qua nhiều nền tảng khác nhau để tránh phải đến nơi đông người. Nhưng cô thừa nhận "đang khá lo lắng" khi thành phố cấm các shipper công nghệ hôm 24/7.
"Họ thực sự quan trọng với tôi lúc này. Không một ngày nào mà tôi không nhận một vài món hàng gì đó", Hồng cho biết.
Nhân viên giao hàng là một phần của mạng lưới cung ứng thương mại khổng lồ, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong đại dịch, vai trò của những người này lại đặc biệt cần thiết.
"Nếu không có shipper thì chết đói", Tâm, người vừa trải qua 24 ngày trong khu phong toả tại TPHCM nói ngắn gọn. Cô cho biết, chính quyền có hỗ trợ về lương thực, thực phẩm nhưng cũng không thể nào giải quyết hết được các nhu cầu.
"Phần hỗ trợ chủ yếu là dành cho những người yếu thế, người già", cô nhận xét.
Nhưng ngay cả khi khu nhà được dỡ phong toả, Tâm chia sẻ, không phải ai cũng có điều kiện để đi mua thực phẩm hay các đồ dùng thiết yếu. Theo cô quan sát, người già yếu, người bệnh, bà bầu, thậm chí những người trẻ, khoẻ đang làm việc tại nhà cũng không có thời gian để đứng xếp hàng vài tiếng mua đồ. Trong khi đó, nếu đặt mua hàng qua ứng dụng, phía cửa hàng sẽ sắp xếp mọi thứ, hàng hoá được gói sẵn chỉ chờ shipper đến mang đi.
Shipper không chỉ có ý nghĩa với những người tiêu dùng cuối cùng như Hồng hay Tâm. Theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, shipper là một trong những "lực lượng huyết mạch giữ cho nền kinh tế vận động ngay cả trong điều kiện thành phố trở nên tồi tệ nhất là cách ly vì dịch bệnh".
Nói rõ hơn, ông cho rằng, những người giao nhận này là một phần quan trọng của công thức giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Tại Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh khắc nghiệt nhất vào năm ngoái, điều này cũng đã được chứng minh. Tờ South China Morning Post tháng 4-2020 đã gọi đội ngũ shipper là "đội quân nuôi sống" hàng triệu người Trung Quốc khi chính quyền ở nhiều địa phương nước này thắt chặt chính sách cách ly, phong toả vì Covid-19 bùng phát.
"Giao hàng tận nhà đóng vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Ở một mức độ nào đó, nó giúp người dân không chết đói khi chính quyền nhiều nơi thắt chặt các biện pháp cách ly cộng đồng", nhà kinh tế chính trị Hu Xingdou nhận định với tờ báo này.
Nam, 29 tuổi, một nhân viên giao hàng của Grab cho biết, đã cho vợ con về quê hơn một tháng trước, khi Hà Nội bắt đầu có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng hơn. "Mỗi ngày tôi tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm người nên không biết thế nào trong khi con thì bé, vợ lại đang mang bầu", Nam nói.
Thời điểm trước khi Hà Nội cấm shipper công nghệ, ngày nào Nam cũng làm việc từ 7h tối đến nửa đêm. "Nhu cầu khách mua đồ đợt vừa rồi nhiều, tôi tính thấy lượng đơn cũng tăng thêm khoảng 20% mỗi ngày", anh cho biết.
"Có những lúc mình nghĩ, nếu bọn mình được tiêm từ sớm, giờ có khi vẫn được chạy. Giao hàng là ngành nghề thiết yếu thế cơ mà", anh chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng đã đến lúc chính quyền cần đặt trọng tâm là bảo vệ những người shipper này.
"Giai đoạn đầu chúng ta chỉ quan tâm đến bảo vệ sản xuất mà quên mất logistics. Khi chú ý đến logistics rồi thì vẫn quên là logistics là đến người tiêu dùng cuối, hộ gia đình phải qua các shipper", ông Đồng nhận xét.
Theo ông, việc cần làm hiện nay là phải tiêm ngay vaccine cho các shipper. "Họ cần được ưu tiên sau lực lượng tuyến đầu chống dịch trực tiếp chứ không nên chờ đợi, cân lên đặt xuống nữa", ông Đồng nói. Theo ông, trong danh sách ưu tiên hiện có những đối tượng có thể "nhấc ra" như là giáo viên, bởi giờ đây họ hoàn toàn làm việc được tại nhà.
Nhóm các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải cho biết, rất trông chờ vào chiến lược tiêm chủng vaccine trong thời gian tới có ưu tiên cho các công ty vận chuyển logistics, đội ngũ nhân viên xử lý, và vận chuyển hàng hoá.
"Họ đang ở tuyến đầu đảm bảo sự lưu thông hàng hoá đến với người dân và là đối tượng nhạy cảm, di chuyển nhiều với phạm vi rộng. Từ đó cung cấp nhanh chóng, kịp thời nhu yếu phẩm cho bà con", đại diện nhóm nói.
Không riêng shipper, các đối tượng thuộc lực lượng logisics như lái xe chở hàng, nhân viên kho bãi, siêu thị cũng gần như bị lãng quên. Trong khi đó, đây là ba lực lượng góp phần "nuôi sống" người dân trong thời gian giãn cách.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, cũng cho rằng những người tham gia dọc chuỗi logistics là tuyến đầu phát triển kinh tế, nên được ưu tiên tiêm sớm. "Một năm trước khi chưa có vaccine thì chưa có biện pháp, còn giờ, chúng ta có rồi, không thể bỏ quên lái xe tải, nhân viên bốc dỡ, đóng gói, người làm hải quan, bán lẻ đến người giao cuối cùng", ông nói.
Gần đây, sau nhiều đề xuất, lái xe đường dài đã được đưa vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine tại TPHCM. Tại cuộc họp ngày 17-7 về kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 đợt 5 với tổng số gần 1 triệu liều, TPHCM cũng đã liệt kê các shipper vào danh sách đối tượng được tiêm.
Còn tại Hà Nội, theo danh sách 13 nhóm ưu tiên tiêm vaccine được ban hành hôm 21-7, các shipper vẫn chưa thực sự được nêu một cách rõ ràng ở nhóm nào.
Hà Nội đã giao Sở Y tế xem xét, ưu tiên bố trí các điểm xét nghiêm, tiêm vaccine phòng dịch khi có điều kiện cho các các đối tượng là người vận chuyển phương tiện vận chuyển hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân có đăng ký hoạt động.