Đại dịch đang đè nặng kinh tế Đông Nam Á

(ĐTTCO) - Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á (ĐNÁ) đang cướp đi nhiều mạng sống của người dân và đe dọa sự phục hồi kinh tế các nước trong khu vực. Ngoại trừ Việt Nam đã cố gắng tiếp tục tăng trưởng, các nền kinh tế khác đều vẫn ở mức âm trong quý I-2021.
Đại dịch covid đang hoành hành ở Đông Nam Á, đe dọa sự phúc hồi kinh tế ở nhiều nước, đặc biệt là ngành du lịch.
Đại dịch covid đang hoành hành ở Đông Nam Á, đe dọa sự phúc hồi kinh tế ở nhiều nước, đặc biệt là ngành du lịch.
Những điểm sáng quý đầu năm
Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng trở lại ở hầu hết các nước ĐNÁ, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của khu vực, chính sách tiền tệ phù hợp và gia tăng chi tiêu của chính phủ. Quan trọng hơn, ĐNÁ đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn đại dịch trong năm 2020 và các nền kinh tế đã tái mở cửa.
Tuy nhiên, viễn cảnh đó hiện đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của đại dịch. Các biến thể Delta đã lan tràn rộng khắp ĐNÁ. Malaysia và Thái Lan đang trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, với số ca nhiễm mới và tử vong ngày càng tăng, trong khi Indonesia trở thành nơi có số ca tử vong lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Brazil) với gần 1.300 người/ngày...
Điểm sáng lớn một số nền kinh tế ĐNÁ là sự hồi sinh của nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của họ, đặc biệt vật tư y tế và các mặt hàng như điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị giải trí gia đình. Các bộ phận/linh kiện như chất bán dẫn cũng có nhu cầu mạnh mẽ. Giá các mặt hàng như đồng và dầu cọ cũng tăng mạnh và Indonesia là nước hưởng lợi.
Xuất khẩu máy móc điện và hàng hóa từ ĐNÁ đã tăng từ 380 tỷ USD năm 2019 lên 406 tỷ USD năm 2020. Động lực này tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 22% theo năm lên 77,3 tỷ USD trong quý đầu tiên. Xuất khẩu của Indonesia cũng tăng gần 7% trong quý I-2021. Sản lượng sản xuất của Malaysia tăng gần 7%. Singapore báo cáo nhu cầu tương tự đối với máy móc điện tử, chất bán dẫn...
Việc chuyển một số công ty sản xuất sang ĐNÁ, đặc biệt là Việt Nam, trước đại dịch đã giúp khu vực này đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm điện tử. Đặc biệt, khi có hiệu lực, thỏa thuận thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây sẽ mang lại cho thương mại nội Á cú hích nữa.
Các gói tài chính của chính phủ hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, dù còn khiêm tốn nhưng cũng rất cần thiết cho các nền kinh tế của khu vực. Sự chấp nhận tăng lên của các giải pháp kỹ thuật số trên toàn khu vực là những tác động tích cực của đại dịch. Thí dụ ở Malaysia, số lượng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số đã tăng mạnh.

Nhưng còn nhiều cam go
Các quốc gia ĐNÁ có thể tận dụng lợi thế của sự phục hồi trở lại của thương mại toàn cầu, như Việt Nam, Malaysia và Singapore. Thí dụ, vào tháng 4 IMF dự báo Việt Nam và Malaysia sẽ tăng trưởng tốt hơn 6% trong năm nay. Tuy nhiên, lấy lại tốc độ tăng trưởng cũng chỉ là bước khởi đầu của quá trình phục hồi. Đối với phần lớn khu vực, các con số GDP dương vào cuối năm không thể hiện tình trạng kinh tế vững chắc, vì được so với mức thấp của năm ngoái.
Để bù đắp tăng trưởng GDP bị mất có thể cần nhiều năm. Việc đóng cửa trường học và mất việc làm có thể gây tổn hại đến tiềm năng thu nhập và việc làm trong tương lai của nhiều người ĐNÁ.
Nợ cao hơn có thể hạn chế đầu tư mới. Hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ đóng cửa vào năm 2020, trong đó nhiều doanh nghiệp không bao giờ mở cửa trở lại. Sự kết nối ngày càng tăng của ASEAN, đặc biệt là việc di chuyển xuyên biên giới của người dân, đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tăng trưởng ở Đông Á và Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) có thể thấp hơn 1,8% so với dự báo tiền Covid. Đặc biệt, các nước nghèo như Đông Timor, Lào, Campuchia và Myanmar, sẽ cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Và cái bóng dài của Covid ập đến
Trên hết, triển vọng cho nền kinh tế ĐNÁ và sự ổn định chính trị cũng như gắn kết xã hội của khu vực phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn sự bùng phát và các biến thể mới của virus. Các biện pháp kiểm soát di chuyển và giãn cách xã hội chặt chẽ hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả quý II.
Malaysia đã bị buộc phải đóng cửa toàn quốc do nhiễm trùng tăng vọt và hệ thống y tế có nguy cơ bị phá hủy. Thái Lan hạ dự báo của chính mình, theo đó nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 1,8% năm nay và 3,9% năm 2021, giảm lần lượt 1,2 và 0,8% so dự báo hồi tháng 3. 
Các nước ĐNÁ hiện rất cần các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, khả năng xét nghiệm và truy tìm tiếp xúc mạnh mẽ cùng nhiều liều vaccine nhất có thể. Tuy nhiên, ngoại trừ Singapore, tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia ĐNÁ rất thấp. Tình trạng thiếu vaccine đã làm chậm quá trình triển khai. Các chương trình tiêm chủng quy mô lớn ở một số nước gặp khó khăn do hạn chế về kinh phí cũng như dân số đông hoặc phân tán.
Đối với các quốc gia lớn như Indonesia và Philippines, cũng như các quốc gia nghèo như Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Timor, việc theo kịp các biến thể của virus SARS-CoV-2 và liên tục tiêm chủng cho cộng đồng sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn. 
Các loại vaccine ĐNÁ sản xuất trong nước từ Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vẫn đang được phát triển, chạy đua với thời gian và sự sinh sôi các biến thể mới. Trong bối cảnh này, nhiều nước ĐNÁ rất cần sự hỗ trợ cấp thiết từ bên ngoài đối với các chương trình tiêm chủng, đặc biệt là phần lớn khu vực sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp được quyên góp thay vì mua.
Thí dụ, vaccine AstraZeneca do Australia tài trợ là trọng tâm trong chương trình tiêm chủng của Đông Timor. Nếu không có các nguồn sản xuất vaccine mới trên toàn cầu và sự hỗ trợ bổ sung này của các nhà tài trợ, sẽ rất khó cho các quốc gia trong việc thực hiện tiêm vaccine cho tỷ lệ lớn dân số của họ vào cuối năm 2021.  
 Triển vọng cho nền kinh tế các nớc ĐNÁ, cũng như sự ổn định chính trị và gắn kết xã hội của khu vực, phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn sự bùng phát các biến thể mới của virus corona.

Các tin khác