Dự án này sẽ giúp tăng công suất điện của nhà máy thêm khoảng 780 megawatt (MW) lên thành 1.200 MW.
Nhà máy sau khi cải tạo nâng cấp sẽ được đốt bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì dầu mazut thường được sử dụng từ trước tới nay.
Bằng cách chuyển đổi nhiên liệu, triển khai các tuabin khí thế hệ F hiện đại từ Siemens và sử dụng nhiệt thải từ các tuabin khí để sản xuất điện, lượng khí thải CO2 có thể được cắt giảm gần một nửa cho mỗi kilowatt điện được sản xuất.
Với dự án này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Hiệp Phước sẽ đảm bảo đồng thời cung cấp điện vừa tin cậy, an toàn vừa thân thiện với môi trường.
[Ông Phạm Thái Lai trở thành Tổng giám đốc mới của Siemens ở Đông Nam Á]
Phạm vi cung cấp của Siemens bao gồm 3 tuabin khí SGT5-4000F, 3 máy phát điện SGen5-1000A, 3 lò hơi thu hồi nhiệt, thiết bị điện và hệ thống điều khiển SPPA-T3000 liên quan.
Sau khi nhà máy điện đã được cải tạo nâng cấp, nhiệt thải từ các tuabin khí sẽ được sử dụng để sản xuất hơi nước. Hơi nước thu được sẽ được sử dụng để chạy tuabin hơi và máy phát điện hiện có để sản xuất điện.
Nhà máy điện được cải tạo nâng cấp dự kiến sẽ vận hành thử vào nửa cuối của năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu điện hiện tại ở Việt Nam, Công ty Điện lực Hiệp Phước sẽ có thể cung cấp khoảng 520 MW cho lưới điện vào giữa năm 2021 thông qua vận hành tuabin khí theo chu trình hở.
"Chúng tôi tự hào có thể hỗ trợ Công ty Điện lực Hiệp Phước cải thiện đáng kể tình hình cung cấp điện bằng giải pháp thân thiện với môi trường. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp một cách hiệu quả sẽ giúp đa dạng hóa chức năng vận hành của nhà máy và do đó làm tăng độ linh hoạt cho khách hàng," ông Andreas Pistauer, Giám đốc Ban Khí và Điện của Siemens ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu.
Siemens là nhà cung cấp hàng đầu về nhà máy điện chu trình hỗn hợp trên thị trường Việt Nam với các dự án tiêu biểu như Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2.