(ĐTTCO) - 2 năm trở lại đây, các công ty tài chính (CTTC) liên tục được mua lại khi dự thảo về việc NHTM phải có CTTC mới được cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, mới đây NHNN lại ban hành Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi NH, theo đó siết chặt hơn điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập đối với các NHTM và TCTD nước ngoài.
CTTC nội thay áo mới
Từ năm 2013 về trước, các CTTC trên thị trường chủ yếu là CTTC nhà nước và CTTC nước ngoài. Năm 2011, hàng loạt CTTC sụt giảm tổng tài sản mạnh như CTTC Cổ phần Điện lực giảm hơn 5.200 tỷ đồng, CTTC Cổ phần Handico (HAFIC) giảm hơn 2.300 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tài chính Than-Khoáng sản Việt Nam (CMF) giảm 820 tỷ đồng, CTTC Cổ phần Sông Đà (SDFC) giảm 369 tỷ đồng. Năm 2013, CTTC Công nghiệp Tàu thủy mất khả năng thanh toán, không trả được gốc và lãi huy động cho khách hàng, tỷ lệ an toàn vốn chỉ còn 3,35% so với mức quy định tối thiểu là 9%. Ngược lại, các CTTC nước ngoài tại Việt Nam tuy số lượng ít nhưng lại chiếm gần hết thị phần cho vay tiêu dùng trong nước và lợi nhuận khá cao.
Vài năm gần đây, diện mạo của các CTTC bắt đầu thay đổi khi các NHTM tham gia khá mạnh vào mảng này. Khởi đầu là HDBank đã mua lại 100% vốn của CTTC Việt Société Générale (SGVF), chuyển thành công ty con thuộc HDBank. VPBank mua lại 100% vốn của Tập đoàn Than-Khoáng sản (Vinacomin) tại CMF sau đó lấy tên thương hiệu FE Credit. Làn sóng thành lập, mua mới CTTC tiếp tục nở rộ khi NHNN đưa ra dự thảo thông tư quy định CTTC chỉ được cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân qua 3 hình thức: cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng, đồng thời các NHTM muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC. Theo đó, SHB công bố sáp nhập CTTC Vietel-Vinaconex (VVF); MB sáp nhập CTTC Sông Đà (SDFC); OCB, ACB, DongABank cũng có kế hoạch thành lập CTTC mới; Sacombank cũng đưa ra kế hoạch thành lập CTTC vốn điều lệ 500 tỷ đồng với mục tiêu chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng…
![]() |
Tư vấn khách hàng vay tiêu dùng. |
Bước tái cơ cấu CTTC
Thời gian qua, nhiều NH tham gia mua lại CTTC, nhưng trên thị trường hiện mới chỉ có HD Saison Finance, FE Credit cạnh tranh được các CTTC nước ngoài như Home Credit, Prudential trong phân khúc vay tiêu dùng thông qua việc tiếp cận các siêu thị, trung tâm điện máy lớn, các cửa hàng kinh doanh xe máy… còn các đơn vị khác vẫn chưa công bố kế hoạch phát triển, thâm nhập thị trường.
Tới đây, theo Thông tư 30/2015/TT-NHNN, doanh nghiệp Việt Nam muốn trở thành cổ đông sáng lập của TCTD phi NHCP phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng; tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ và phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật liên quan. Đáng chú ý, NHTM Việt Nam khi muốn làm cổ đông sáng lập của TCTD phi NHCP hay TNHH đều phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không được vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập TCTD phi NH, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH trong 2 năm trước liền kề…
Như vây, sau khi hầu hết các CTTC yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được các NHTM tham gia tái cơ cấu, sắp tới cuộc đua thành lập CTTC sẽ giảm tốc vì theo quy định mới chỉ có các NHTM lớn mới đủ điều kiện để thành lập CTTC, trong khi hiện nay số NHTM không đủ điều kiện mở CTTC trực thuộc còn khá nhiều. Trước đó, NHNN cũng cho biết sắp tới sẽ hạn chế thành lập CTTC tiêu dùng của nước ngoài ở Việt Nam thêm vài năm nữa để hỗ trợ các NH trong nước tham gia mua bán sáp nhập các CTTC nội.