Tuần qua, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài. Theo đó, Thông tư này siết lại các quy định về hoạt động liên NH, tạo khung pháp lý mới, khắc phục những vấn đề còn bất cập hiện nay.
Ngăn chặn cho vay dây chuyền
Nội dung chính của Thông tư 21 nêu rõ TCTD, chi nhánh NH nước ngoài không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền thanh toán) tại TCTD, chi nhánh NH nước ngoài khác. Hoạt động cho vay và đi vay liên NH chỉ được thực hiện thông qua trụ sở chính của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và được dùng để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả và cân đối vốn trong ngắn hạn.
![]() |
Siết lại thị trường liên ngân hàng nhằm ngăn chặn các NH cho vay dây chuyền. Ảnh: LÃ ANH |
Thời gian giao dịch theo quy định dưới 1 năm. Lãi suất cho vay, mua, bán giấy tờ có giá do các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong trường hợp hoạt động có diễn biến bất thường, NHNN sẽ quy định lãi suất cho vay liên NH để các tổ chức thực hiện. Các giao dịch cho vay, đi vay và mua, bán có kỳ hạn phải được lập thành hợp đồng và TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành.
Thông tư 21 cũng quy định các TCTD muốn được giao dịch liên NH phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch (đối với bên đi vay).
Theo một lãnh đạo ABBank, quy định của Thông tư 21 không cho các NHTM gửi tiền, nhận tiền gửi lẫn nhau thực chất là sự thay đổi câu chữ: từ gửi và nhận tiền gửi chuyển sang cho vay và đi vay. Sự thay đổi này kéo theo các NHTM giao dịch liên NH sẽ bị hạn chế một số quy định.
Cụ thể, khi là một khoản vay và cho vay, quy định về rủi ro yêu cầu các NHTM phải tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, phải có hợp đồng mua bán chứ không chỉ giao dịch dựa trên uy tín như trước đây.
Đặc biệt, quy định các NHTM có nợ liên NH quá 10 ngày không được giao dịch tiếp nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng dư nợ liên NH, tránh tình trạng nợ xấu xảy ra như hiện nay, như việc có NHTM đang bị nợ xấu trên liên NH với nhiều NHTM khác tới hàng ngàn tỷ đồng Như vậy, thực hiện theo Thông tư 21 thị trường liên NH sẽ đi vào quy củ, hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.
Theo một phó tổng giám đốc Eximbank, trong các quy định của Thông tư 21 vấn đề quan trọng là việc trích lập dự phòng có thể tác động làm tăng chi phí đối với các NHTM. Nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể phải trích lập dự phòng bao nhiêu, nên chưa thể xác định được mức ảnh hưởng đối với NHTM.
Mấu chốt trên thị trường liên NH là giải quyết thanh khoản, trong khi thời gian qua nhiều NHTM đã “quên” vấn đề này khi sử dụng liên NH là kênh kinh doanh vốn chủ yếu.
Vì thế mới có chuyện NH A cho NH B vay; NH B cho NH C vay lãi suất cao hơn; NH C lấy vốn cho khách hàng vay trung, dài hạn…
Hình thức cho vay dây chuyền này dẫn đến rủi ro dây chuyền cho cả hệ thống khi một NHTM, chẳng hạn NH C gặp khó khăn về thanh khoản do lãi suất thị trường biến động, kéo theo nhiều NHTM khác cùng khó khăn. Vì vậy, những quy định của Thông tư 21 sẽ hướng hoạt động liên quan trở về bản chất là nơi hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM.
Có nên quy định lãi suất trên liên NH?
Năm ngoái có thời gian thị trường liên NH liên tục nổi sóng. Nguyên nhân do việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của NHNN đã khiến một số NHTM nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản. Những NHTM nhỏ khó cạnh tranh với các NHTM lớn trong việc huy động vốn, nhất là khi NHNN ấn định trần lãi suất huy động tối đa 14%/năm.
Việc vay vốn của NHNN trên thị trường mở (OMO) cũng gặp khó khăn do các NH thiếu giấy tờ có giá để giao dịch. Bên cạnh đó cũng do NHNN chủ trương hạn chế lượng tiền cung ứng để kiềm chế lạm phát.
Khó khăn về thanh khoản khiến các NHTMCP nhỏ thường xuyên phải lên thị trường liên NH để vay mượn. Nhiều NH dư vốn lợi dụng tình cảnh này cho những NHTM thiếu vốn vay với lãi suất cao, lên đến 20-21%/năm, thậm chí 25-27%/năm, kéo theo lãi suất trên thị trường dân cư cũng tăng nóng.
Thực trạng này làm mất đi ý nghĩa vốn có của thị trường liên NH là nơi vay mượn vốn ngắn hạn giữa các NH với nhau. Không những vậy, việc làm này còn khiến đồng vốn chỉ chạy lòng vòng trong các NH, không đi vào nền kinh tế phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Nay Thông tư 21 quy định trong trường hợp hoạt động bất thường, NH có thể quy định lãi suất cho vay liên NH.
Có thể thấy quy định này sẽ chấm dứt tình trạng các NHTM lớn cho vay lãi suất cắt cổ với các NHTM thiếu thanh khoản, nhất là các NHTM nhỏ. Ngoài ra, đây là bước cần thiết để hỗ trợ NHNN tiến đến bỏ trần lãi suất huy động và cho vay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng NHNN đang tiến tới tương lai gần có thể bỏ trần lãi suất huy động, tự do hóa lãi suất, nên việc áp trần lãi suất cho vay trên thị trường liên NH khi hoạt động NH có diễn biến bất thường là không cần thiết.
Bởi nếu NHNN kiểm soát, quản lý chặt hoạt động NHTM sẽ không để xảy ra tình trạng các NH chạy đua lãi suất trên liên NH, nhiều NHTM nhỏ không chấp nhận kiểu đi vay này đã quay trở lại thị trường 1 để huy động vốn bằng mọi giá.
Đặc biệt, NHNN có thể thông qua các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu trên thị trường OMO để điều tiết lãi suất liên NH, thay vì quy định hành chính trần lãi suất. Bởi thực tế, với trần tiền gửi, trần cho vay các NHTM có thể lách lãi suất được, thì lãi suất cho vay với nhau các NHTM cũng có thể vượt rào.
Theo một chuyên gia NH, để thị trường tiền tệ ổn định, ngoài việc cần quản lý chặt thị trường liên NH, NHNN cũng cần giám sát kỹ các NHTM nhỏ và có cơ chế mở rộng cho họ tham gia trên thị trường OMO khi cần nhu cầu thanh khoản, tránh tình trạng các NHTM nhỏ bị các NHTM lớn bắt chẹt khi vay trên thị trường liên NH.