Dự án Nhà máy thép Quảng Liên được giao diện tích khá rộng trên đất liền để xây dựng nhà máy và liền kề với xây dựng cảng chuyên dụng tại khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Thế nhưng từ ngày được cấp phép đầu tư đến nay đã gần 5 năm, qua 2 lần chuyển chủ đầu tư, rồi liên danh góp vốn nhưng siêu dự án này vẫn triển khai rất trì trệ.
Rào nhốt hơn 300 dân
Tháng 2-2011, Nhà máy thép Quảng Liên tiến hành rào đường Dốc Sỏi để thi công cống thoát nước nội bộ. Trước đây, tuyến đường dẫn về cảng Dung Quất chạy ngang qua đây, nay diện tích 480ha của dự án thép đã trùm luôn con đường huyết mạch này.
Vì bị bít đường đi, toàn bộ phương tiện vận chuyển hàng ra vào cảng Dung Quất buộc phải chạy vòng qua thôn Tân Hy, xã Bình Đông.
![]() |
Mặt bằng "siêu" dự án thép Quảng Liên sau 5 năm triển khai. Ảnh: H.MINH |
Trong khi đó, trên 50 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu chưa được di dời khỏi mặt bằng quy hoạch dự án cũng bị nhốt. Trên khu đất rộng mênh mông mới chỉ dựng lên khoảng 1.000 cọc làm nền móng, còn lại vẫn bỏ hoang vắng, cỏ mọc um tùm.
Bà Bùi Thị Minh, 82 tuổi, cư ngụ ở Vức 6, xã Bình Đông, than: “Chỉ vài cơn mưa, cả xóm này đã ngập hơn 5 tấc. Nước mưa và nước thải từ các nhà máy không có đường thoát nên gây ngập úng. Đất cũng bị ngâm đến thối, nói chi đến nước sinh hoạt. Dự án “treo” đã 5 năm nay, mọi người phải sống lây lất vì không sản xuất nông nghiệp được và phải mua nước sạch”.
Ông Huỳnh Quang, 38 tuổi, cũng ở Vức 6, bức xúc: “Chúng tôi kiến nghị nếu dự án làm thì làm nhanh và sớm di dời người dân đến nơi ở mới, chứ để đến mùa mưa bão thì dân chỉ có chết, vì tất cả tuyến đường đã bị bít”.
Được biết Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đo đạc kiểm kê toàn bộ diện tích đất canh tác và đất ở của các hộ dân này, nhưng chưa đền bù. Ông Dương Hồng Quảng, Trưởng Ban công tác mặt trận, Bí thư chi bộ thôn Tân Hy, cho biết: “Hiện toàn xã Bình Đông có 22,6ha đất ruộng nằm trong quy hoạch Nhà máy thép Quảng Liên, phải bỏ hoang từ năm 2007 đến nay. Thôn đã nhiều lần họp dân, mỗi lần họp người dân trong thôn đều bức xúc về việc đất bị phong tỏa, gây ngập úng, không sản xuất được”.
Ông Võ Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất, băn khoăn: “Các hộ dân ở Vức 6 nằm trong quy hoạch mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy thép Quảng Liên (38,6ha). Theo kiểm kê, tổng số tiền đền bù tái định cư khoảng 75 tỷ đồng, chi từ ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí này chưa được bố trí nên chúng tôi không biết bao giờ mới di dời được những hộ dân này”.
Chưa vay được vốn
Trước đây dự án này của Công ty TNHH Tycoons Worlwide Steel Việt Nam (TWS), được khởi công xây dựng vào tháng 10-2007, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Năm 2008, Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam hợp tác, vốn điều chỉnh lên trên 3,3 tỷ USD và nay đang đề nghị được nâng vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn thép/năm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ đưa vào vận hành chạy thử vào cuối năm 2012; giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, do không có vốn nên dự án đã bị chậm so với tiến độ đề ra. Ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất, cho biết: Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường khu vực nhà máy và khu vực cảng; hoàn thành khu cư xá A, B và đang triển khai xây dựng cư xá C, D; thi công được hơn 3.000 cọc/17.000 cọc phải đóng để xây dựng nền móng...
Tổng vốn đầu tư của dự án mới thực hiện được khoảng 50 triệu USD (trong tổng vốn đầu tư toàn dự án trên 3,3 tỷ USD). Nguyên nhân chậm tiến độ là do khi dự án được triển khai gặp khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng của châu Âu và Hoa Kỳ không cho vay vốn; các gói thầu cũng phải tính toán lại. Việc đền bù, giải tỏa bàn giao mặt bằng cũng chưa thực hiện như tiến độ đề ra, mới bàn giao 300ha (trong tổng số 478ha). Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa có tiến độ tổng thể trình các cơ quan chuyên môn và chưa cam kết tiến độ thực hiện dự án.
Để tìm vốn cho dự án, giữa tháng 9-2011 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với đại diện chủ đầu tư, nhà cung cấp thiết bị và đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thuyết phục ngân hàng này cho Quảng Liên vay vốn, nhưng đến nay phía ngân hàng chưa trả lời. Như vậy, đồng nghĩa với tiến độ của dự án vẫn tiếp tục bị chậm.