(ĐTTCO) - 90% sản phẩm của công ty được bán trong các siêu thị lớn và nhỏ tại VN, chỉ 10% còn lại cung cấp cho các nhà hàng lớn.
![]() |
Thời gian vừa qua nhiều siêu thị thay tên đổi chủ, khiến doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho siêu thị rất ái ngại. Bởi bất kỳ sản phẩm nào và tốt đến mấy cũng phải có nơi trưng bày, tiêu thụ, trong khi người Thái chiếm lĩnh những mặt tiền đẹp nhất, họ dành những nơi đẹp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm Thái Lan trên các kệ siêu thị. Cùng với đó, nền sản xuất công nghiệp của Thái Lan rất mạnh, thừa sức đè bẹp nền sản xuất non trẻ của Việt Nam.
Chúng tôi lo ngại, trong vòng 5 năm tới khi người Thái vững chân tại Việt Nam họ sẽ từ từ thay đổi các nhà cung cấp của Việt Nam thành các nhà cung cấp Thái Lan bằng nhiều cách, điển hình như tính mức chiết khấu. Hiện nay, mức chiết khấu của các siêu thị rất khác biệt. Họ có thể sử dụng biện pháp kéo vào rồi đẩy ra. Ví dụ, ban đầu họ cho chúng tôi mức chiết khấu 15% là chấp nhận được, về sau họ tìm ra rất nhiều cách đẩy lên 25-30% buộc doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được thì phải tự rời khỏi các siêu thị.
Hoặc các siêu thị bán tăng giá sản phẩm của doanh nghiệp Việt lên, khiến người tiêu dùng phải mua với mức giá rất đắt, đặc biệt là trong các siêu thị lớn. Có những siêu thị dùng nhiều chiêu thức khác nhau để đẩy giá thành lên cao, như đặt ra mức chi phí thanh toán từ 3-6%. Họ áp đặt lên doanh nghiệp sản xuất và buộc doanh nghiệp phải chấp nhận nếu muốn cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị của họ.
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam không rõ ràng và gần như không có. Nông sản của Việt Nam người nông dân không được tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào và vô hình chung là doanh nghiệp phải cõng thuế VAT trong giá thành sản phẩm. Chính điều này khiến cho doanh nghiệp lại phải “gồng mình” cạnh tranh với kênh bán hàng trốn thuế VAT, cũng như mất đi lợi thế cạnh tranh về giá khi cung ứng sản phẩm cho các hệ thống siêu thị.
Vì vậy, một mặt chúng tôi mong muốn có sự phối hợp, kết nối chặt chẽ, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp bán lẻ trong nước với nhà cung cấp. Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể để giúp sản phẩm nông sản của Việt Nam có giá thành tốt, đủ sức cạnh tranh tại các siêu thị trong nước và cạnh tranh được trong các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ông Ngô Đức Sinh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP nông lâm sản Kim Bôi