Singapore điều tra Grab thâu tóm Uber

(ĐTTCO) - Thỏa thuận giữa công ty taxi công nghệ Uber Technologies bán các hoạt động ở Đông Nam Á cho đối thủ Grab đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh Singapore điều tra vì đã vi phạm luật cạnh tranh của nước này.

Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cho biết đã mở cuộc điều tra về thỏa thuận Grab mua lại các hoạt động của Uber ở Đông Nam Á vào ngày 27-3, một ngày sau khi thỏa thuận được công bố. Singapore có cơ chế thông báo sáp nhập tự nguyện nhưng đến ngày 30-3, CCS vẫn chưa nhận được thông báo từ Uber và Grab, dù 2 công ty đã cho biết ý định nộp một thông báo sáp nhập chính thức. Theo CCS, thỏa thuận này có thể dẫn đến "giảm cạnh tranh đáng kể" trong ngành công nghiệp taxi công nghệ ở Singapore.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, CCS đã đề xuất các biện pháp tạm thời, theo đó yêu cầu Uber và Grab phải duy trì giá cước, chính sách tính cước và các sản phẩm độc lập như trước thỏa thuận. 2 công ty không được thực hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến việc tích hợp các hoạt động kinh doanh tại Singapore, không được lấy bất kỳ thông tin bí mật từ nhau, bao gồm giá cước, công thức tính cước, khách hàng và tài xế.
Grab phải đảm bảo các tài xế Uber tham gia nền tảng Grab theo thỏa thuận riêng mà không phải chịu bất kỳ điều khoản loại trừ, thời gian hoạt động, phí chấm dứt hoạt động.
Singapore điều tra Grab thâu tóm Uber ảnh 1 Ảnh minh họa. 
CCS cho biết, ủy ban có quyền ban hành các biện pháp tạm thời trong khi tiến hành điều tra các vụ sáp nhập không được thông báo, nhưng đây là lần đầu tiên CCS thực hiện quyền này. Nếu được ban hành, các biện pháp tạm thời sẽ có hiệu lực ngay ngày được ban hành cho đến khi kết thúc cuộc điều tra của CCS hoặc do CCS quyết định.
Theo thỏa thuận Uber và Grab công bố ngày 26-3, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á 640 triệu dân cho Grab. Đổi lại, công ty đặt trụ sở ở Hoa Kỳ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab trị giá khoảng 6 tỷ USD.
Giám đốc điều hành CEO của Uber Dara Khosrowshahi sẽ tham gia HĐQT của Grab. Tuyên bố của ông Khosrowshahi cho biết thỏa thuận kinh doanh này sẽ giúp Uber "nỗ lực hơn nữa để phát triển và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm dịch vụ và công nghệ để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trên toàn thế giới".
Thỏa thuận này là sáp nhập lớn đầu tiên của ngành công nghiệp taxi công nghệ ở Đông Nam Á. Thỏa thuận được cho là sẽ đem lại thêm sức mạnh cho Uber để tập trung vào các thị trường khác, bao gồm Ấn Độ, khi chuẩn bị IPO vào năm 2019. Năm ngoái, Uber đã thua lỗ 4,5 tỷ USD và đang đối mặt sự cạnh tranh gay gắt ở Hoa Kỳ và châu Á, cũng như bị siết quản lý ở châu Âu.
Uber thành lập tại Hoa Kỳ năm 2009 và đã mở rộng hoạt động trên toàn cầu. Uber đã đầu tư 700 triệu USD vào các hoạt động ở Đông Nam Á từ khi nhảy vào thị trường này, đầu tiên tại Singapore vào năm 2013. Grab thành lập tại Malaysia năm 2012, chủ yếu hoạt động tại Đông Nam Á, thị trường 640 triệu dân mà cả Uber và Grab đều muốn chiếm lĩnh.
Uber được cho là đã đổi cổ phần tại Grab để rút khỏi thị trường Đông Nam Á, như chiến lược đã làm tại Trung Quốc, Uber đã bán lại cho đối thủ Didi Chuxing và giữ 20% cổ phần tại công ty này, hay tại Nga, Uber cũng đã bán lại cho Yandex và giữ 36,6% cổ phần. Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.

Các tin khác