Lãnh đạo đua nhau chốt lời
Ngày 6-6, SIP chính thức đưa 69 triệu CP lên niêm yết trên UPCoM với giá tham chiếu 17.200 đồng/CP. Chào sàn trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi, nhưng SIP đã tăng hết biên độ (40%) trong lần khớp lệnh đầu tiên lên 24.000 đồng/CP, với vỏn vẹn 100 CP được bán ra.
Sau phiên tăng kịch trần này, không ít NĐT dự báo SIP phải điều chỉnh ở những phiên kế tiếp theo xu hướng chung của thị trường. Thế nhưng, SIP vẫn tiếp tục được đẩy lên trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Đến phiên giao dịch ngày 19-8, SIP tăng chạm mốc 140.000 đồng/CP, tăng 8,2 lần so với giá tham chiếu trong ngày chào sàn hơn 2 tháng trước đó.
Ngay trong thời điểm SIP tăng gần chạm mốc 100.000 đồng/CP, gần như toàn bộ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đồng loạt đăng ký bán số CP đang nắm giữ. Cụ thể, ông Phạm Văn Đông, Ủy viên HĐQT (56.000 CP); ông Trần Như Hùng, Phó Tổng giám đốc (400.000 CP); ông Lư Thanh Nhã, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng (1 triệu CP); ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (450.000 CP); ông Trần Ngọc Nhân, Phó Tổng giám đốc (177.900 CP); bà Bạch Vân Nhạn, Ủy viên HĐQT (20.000 CP); ông Nguyễn Trường Khôi, Phó Tổng giám đốc (40.000 CP).
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 14,3 triệu CP, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 22,15% xuống chỉ còn 1,37%. Dù lý do đăng ký bán của lãnh đạo SIP là “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”, nhưng theo nhận định của giới đầu tư, mục đích chính của việc bán ra để chốt lời khi SIP tăng quá nóng. Đơn cử, trường hợp ông Tùng, nếu bán hết số cổ phần này sẽ thu về xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.
Tự dự báo khó khăn
Tự dự báo khó khăn
Căn cứ theo báo cáo tài chính năm 2018 và kết quả kinh doanh quý I (thời điểm trước khi lên sàn), ước tính giá trị sổ sách của SIP chỉ ở mức 33.100 đồng/CP. |
Cụ thể, liên tục trong những năm gần đây, SIP ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trên 20%/năm. Năm 2018, doanh thu thuần đạt 3.239 tỷ đồng (tăng 26%); lợi nhuận sau thuế 249 tỷ đồng (tăng 34%), tương ứng EPS 3.600 đồng/CP và cổ tức 18%.
Tuy nhiên, SIP lại bất ngờ hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 với doanh thu 3.000 đồng (giảm 7%), lợi nhuận 200 tỷ đồng (giảm 19%).
Theo lý giải của HĐQT, chỉ tiêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở tình hình kinh tế dự báo khó khăn, đồng thời định hướng của SIP thời gian tới sẽ tập trung 2 mảng xây lắp và đầu tư phát triển.
Thế nhưng, điều bất ngờ kết quả kinh doanh quý II vừa được SIP công bố hoàn toàn ngược lại với nhận định chủ quan của HĐQT. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, SIP ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.976 tỷ đồng (tăng 34%), lợi nhuận sau thuế đạt 214 tỷ đồng (tăng 65%). Với kết quả này, SIP đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 chỉ sau 6 tháng.
Được biết, SIP là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KCN, thế mạnh hiện nay của SIP chính là hưởng lợi từ lĩnh vực này. Doanh thu của SIP trong những năm gần đây đến từ các nguồn thu dịch vụ của KCN.
SIP hiện đang sở hữu 4 KCN với tổng diện tích thương mại lên đến 2.280ha. Lợi thế của SIP là các dự án tập trung tại những khu vực trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh. Các dự án KCN này đều được đầu tư trên 10 năm với giá cho thuê tương đối cao so với mặt bằng ngành.
Dễ dàng làm giá
Dễ dàng làm giá
SIP (thành lập năm 2007) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Hiện tại, vốn cổ phần của SIP đạt 690,5 tỷ đồng, trong đó 81,32% cổ phần nằm trong tay cổ đông lớn, gồm GVR nắm 13,53% cổ phần, CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC) 9,02% cổ phần, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc 10,67% cổ phần.
Người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại SIP là ông Nguyễn Thanh Tùng hơn 15,2 triệu cổ phần (tương đương 22,15% vốn). Tuy nhiên, do ông Tùng đã đăng ký bán 14,3 triệu CP từ ngày 9-8 đến 6-9, nhiều khả năng ông Tùng sẽ không còn là cổ đông lớn của SIP sau ngày 6-9.
Ngoài 4 cổ đông chính, số cổ phần còn lại của SIP nằm trong tay những người đăng ký bán ra (đã nêu phần trên). Điều này cho thấy, cơ cấu cổ đông của SIP khá cô đặc, nên việc đẩy giá lên cao hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Đơn cử, 4 phiên giao dịch đầu tiên, không CP nào được bán ra. Các phiên kế tiếp, bên bán cũng chỉ bán ra 100 CP, đủ để giá CP lên kịch trần. Do thanh khoản của SIP không cao, đến thời điểm hiện tại rất khó để xác định ai là người mua vào SIP.
Có lẽ phải đợi sau ngày 6-9, sau khi ông Tùng công bố kết quả đăng ký bán ra hơn 22% cổ phần đang nắm giữ, giới đầu tư mới xác định được ai là người chấp nhận bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này. Và đó cũng là thời điểm để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra kết luận: SIP có bị làm giá để trục lợi không.