Qua thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều việc được các cơ quan quản lý khắc phục tốt vẫn còn tồn tại việc nhà, đất công để trống, sử dụng sai mục đích. Một số địa phương thực hiện rà soát, thống kê danh sách đất công chuyển về các sở ngành còn chậm so với tiến độ.
Đặc biệt hơn nữa, việc quản lý nhà, đất công trên địa bàn TP vẫn theo thủ công, chưa có phần mềm quản lý tổng thể, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng nhà, đất công của chúng ta.
Để giải quyết vấn đề căn cơ, hiệu quả cần thực thi đồng bộ các giải pháp. Trước mắt, UBND TP cần chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng sử dụng nhà, đất công sai mục đích, liên doanh liên kết, cho thuê không đúng đối tượng, mục đích…
Đối với nhà, đất công còn trống, giải pháp đưa ra là cần thông tin cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị có nhu cầu tiếp cận một cách nhanh nhất, có thể cho thuê ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tùy theo kế hoạch sử dụng và quá trình sử dụng nhà, đất của khu đất đó.
Chúng ta cũng nên đặc biệt quan tâm đến các căn hộ, nền đất trước đây đầu tư làm tái định cư nhưng hiện đang bỏ trống. Các quận huyện phải rà soát lại nhu cầu tái định cư trong giai đoạn 2020-2021 trên địa bàn để thực hiện một cách chủ động. Còn các địa phương chưa có nhu cầu thì phải thống kê, bàn giao về cho Trung tâm Quản lý nhà của Sở Xây dựng TP quản lý, để từ đó khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
Đồng thời, một số nhà, đất công trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước đây chuẩn bị tái định cư cho người dân nhưng nay dôi dư phải khẩn trương thực hiện bán đấu giá, đảm bảo không để thất thu ngân sách.
Ngoài ra, trong một số dự án hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị… có một số nhà, đất sau khi bồi thường để thực hiện dự án thì dôi dư các khu đất có diện tích rất nhỏ, hiện nay đang bỏ trống thì cần nhanh chóng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có phương án sử dụng tốt nhất, tránh tình trạng lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, bị lấn chiếm.
Về lâu dài chúng ta phải quản lý chặt chẽ các địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn TP bằng bản đồ số. Tức là số hóa toàn bộ, được chấm từng điểm công khai, đưa vào dữ liệu dùng chung để từ đó người dân, doanh nghiệp cần địa chỉ nào có thể cập nhật, xem xét. Đối với đất công, tốt nhất nên cho thuê ngắn hạn hoặc dài hạn, tránh tình trạng “mua đứt bán đoạn” ngoại trừ các khu đất khai thác để xây dựng công trình tầm cỡ chiến lược, kêu gọi đầu tư hoặc các khu sáp nhập vào các cơ quan đơn vị, vì nhỏ lẻ không có vị trí chiến lược về sau. Tóm lại, đối với những khu đất có vị trí đặc biệt nằm ở những trục đường lớn như trung tâm TP hoặc sắp tới là thuộc TP Thủ Đức hoặc khu Nam phải giữ lại “làm vốn” về sau. Bởi khi phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội thì những khu đất đó sẽ có giá trị cực kỳ to lớn.
Để làm được điều này, ngay từ bây giờ phải rà soát tổng thể nhà, đất công và những khu đất nào đưa vào diện hợp tác đối tác công tư (PPP) thì tính toán chặt chẽ. Khi thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng PPP, đến lúc đưa dự án vào khai thác sẽ đem lại hiệu quả cho cả một khu vực, tất nhiên khu đất đem ra hợp tác sẽ có hiệu quả gấp nhiều lần.
Cần sớm xin Chính phủ thực hiện thí điểm tổ chức lại ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận huyện thành trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận huyện. Từ đây, những đơn vị này sẽ thực hiện chức năng nghiên cứu việc khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường hoặc xung quanh khu vực dự án PPP sắp thực hiện để tạo quỹ đất.
Tức là chúng ta lấy quỹ đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư PPP thì những khu đất nằm hai bên con đường sẽ thành quỹ đất công, lúc đó giá trị quỹ đất công tăng gấp nhiều lần.