Theo đó, 3 nhà máy điện gió vừa được hoà lưới điện quốc gia gồm: Nhà máy số 5, Nhà máy số 6 và Nhà máy số 7 đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với tổng công suất 90MW.
Hoạt động đóng điện bắt đầu từ 21 giờ 45 phút (ngày 1-10), với sự chỉ huy thao tác của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2). Đến 5 giờ 58 phút (ngày 2-10) hoạt động đóng điện, nghiệm thu và vận hành 3 Nhà máy Điện gió số 5, số 6 và số 7 thành công. Đây là 3 dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chính thức hòa vào lưới điện thuộc hệ thống điện quốc gia.
Nhà máy Điện gió Lạc Hòa (Nhà mày số 5) đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do CTCP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu - TDC làm chủ đầu tư. Nhà máy có có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, công suất 30MW (giai đoạn 1), gồm 6 trụ turbines gió, mỗi turbines có công suất 5MW. Nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 93 triệu kWh.
Nhà máy Điện gió Quốc Vinh (Nhà máy số 6) đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng, công suất 30MW (giai đoạn 1), diện tích 7,5 ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbines gió, mỗi turbines có công suất 5,3MW. Nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 95 triệu kWh.
Nhà máy Điện Gió Số 7 tỉnh Sóc Trăng đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do CTCP Năng lượng Sóc Trăng - Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, công suất 30MW (giai đoạn 1), diện tích quy hoạch cả 2 giai đoạn là 3.100 ha. Nhà máy có 7 trụ turbines gió, mỗi turbines có công suất 4,2MW, các turbines gió nằm hoàn toàn trên biển. Nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 108 triệu kWh.
Được biết Sóc Trăng là địa phương có 72km bờ biển với nhiều lợi thế để phát triển điện gió. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 21 dự án điện gió ưu tiên thu hút đầu tư và đang được triển khai.
Các dự án điện gió trên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia; giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Không chỉ vậy, dự án được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng để phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế khu vực Tây Nam bộ.