Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 3.850 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hoạt động khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh và đóng góp trên 80% thu ngân sách. Đáng chú ý, Sóc Trăng là địa phương có nhóm doanh nghiệp chủ lực top 10 của cả nước về xuất khẩu thuỷ sản và lúa gạo.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế dương (đạt 1,18%); giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 27.560 tỷ đồng (tăng hơn 12%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,28 tỷ USD (tăng 16%)… Trong quý I, năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,15%.
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Tỉnh Sóc Trăng đang đứng trước cơ hội lớn với một vị trí rất đặc biệt. Cụ thể, khi tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề, cầu Đại Ngãi, tuyến Đường Ven biển, Cảng biển nước sâu Trần Đề được xây dựng và vận hành, tỉnh Sóc Trăng sẽ trở thành điểm đến của con đường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất ĐBSCL. Đây là nền móng, hành trình mới đầy hứa hẹn, thôi thúc cộng đồng doanh nghiệp thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng tươi sáng, giàu đẹp.
Chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tiêu biểu tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn của người dân và doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng trả lời nhanh những thắc mắc, khó khăn; tổ chức họp mặt doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước; nỗ lực vượt qua đại dịch, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực.