Tất cả các sản phẩm xăng dầu đã liên tục tăng giá trong 5 phiên điều hành đầu năm, với mức tăng từ 12-16% tùy mặt hàng, đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như người tiêu dùng.
Đại diện một thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Nam cho hay ngay sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3, giá dầu thế giới tiếp tục "leo thang" với mức tăng trên 7% khi chốt phiên. Điều này khiến mức giá cơ sở vừa được liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh tiếp tục "hụt hơi" với đà tăng của giá thế giới.
Giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Minh - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết giá xăng dầu chiếm 35-40% giá cước vận tải nên khi giá tăng đã ảnh hưởng trực tiếp giá thành vận tải. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu giảm, nên để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp chỉ tăng thêm 500 đồng/km (với taxi), trong khi nếu để bù đắp hết chi phí, giá cước phải tăng từ 1.200 - 1.500 đồng/km. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp không "sức nào chịu nổi" và phải tiếp tục tăng giá cước, nên rất mong Nhà nước đưa ra giải pháp toàn diện, bền vững, lâu dài vì không kìm giá xăng dầu thì lạm phát tăng cao và ảnh hưởng kinh tế của cả nước.
"Đặc biệt, chúng tôi rất mong chờ việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ được sớm triển khai nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ bãi bỏ và tạm dừng áp dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tức là miễn giảm 100% và tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác như thuế nhập khẩu. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, đến người dân" - ông Minh kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành Công ty may Đáp Cầu, chuyên sản xuất hàng may xuất khẩu - cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá cước vận chuyển hàng trong bối cảnh các chi phí đầu vào khác đều tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chưa kể, giá xăng dầu tăng còn tác động gián tiếp làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào khác, chi phí lương thực thực phẩm tại bếp ăn của công nhân, chi phí nhân công... khiến giá thành đầu vào sản xuất tăng thêm 10-15%, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, nên ông Thăng cho rằng chính sách hỗ trợ giảm thuế với xăng dầu rất được mong chờ.
Theo ông Đào Ngọc Nam, tổng giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam - chuyên cung cấp thực phẩm, bếp ăn cho các khu công nghiệp, giá xăng dầu tăng khiến nhiều sản phẩm thực phẩm tiêu dùng tăng. Thêm nữa là cước vận chuyển hàng hóa đầu vào, với mức tăng mà các đơn vị báo giá là thêm trên 10%, khiến các chi phí chung tăng 15%. Tuy vậy, do kinh tế mới phục hồi, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp đành "cắn răng" giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá đầu ra cho đến khi Nhà nước áp dụng chính sách giảm thuế giúp kìm giá xăng dầu.
Đồ họa: TUẤN ANH
Phải giảm mạnh và áp dụng nhanh
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng giá xăng dầu tăng cao chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% trong năm nay. Do đó, phương án giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cần được khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét ban hành. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cụ thể là bao nhiêu cần được Bộ Tài chính đánh giá cân đối hài hòa giữa các lợi ích để chia sẻ với người tiêu dùng.
"Nếu mức giảm thuế bảo vệ môi trường quá nhỏ và chậm trễ áp dụng, giải pháp hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ không phát huy hết hiệu quả là kích cầu như đã đặt ra. Nhìn tổng thể, mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi giá cả tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn" - ông Khanh lo ngại.
Ông Đào Ngọc Nam cũng cho rằng rất mong muốn Chính phủ sớm bàn thảo, áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bởi đây là yếu tố tác động rất lớn giúp giảm giá xăng dầu. Qua dịch COVID-19, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng liên tục, nên việc Nhà nước hỗ trợ giảm các chi phí cơ bản như nguyên liệu đầu vào, giảm lãi suất, chi phí vận chuyển... có ý nghĩa lớn. "Vì vậy, chúng tôi mong muốn mức giảm phải đủ lớn, đủ thiết thực mới có ý nghĩa tác động giúp doanh nghiệp có thể sớm phục hồi và tận dụng cơ hội phát triển sau đại dịch" - ông Nam nói.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần phải đủ lớn, có thể cân nhắc mức giảm tối đa là 70% so với mức thuế hiện hành, hoặc tối thiểu ở mức 50%. Sau đó tùy vào điều kiện, tình hình thực tế có thể giảm xuống 30% và khi nền kinh tế phục hồi, giá dầu thế giới ổn định lại, có thể quay trở lại áp dụng mức thuế như hiện hành. "Cơ chế điều hành giá cũng cần áp dụng linh hoạt hơn, có thể 5 ngày/lần hoặc trong trường hợp giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng giảm trên 10%, có thể điều chỉnh giá tương ứng", vị này đề xuất.
Ông Trần Văn Lâm (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang): Phải giảm thuế xăng dầu để kiềm chế lạm phát Chính phủ phải linh hoạt giải pháp điều hành giá cả, đặc biệt kiềm chế lạm phát khi các yếu tố tác động đến lạm phát đầu năm rất nhiều, căng thẳng nhất là giá dầu. Phương án điều chỉnh thuế có thể được tính đến, bao gồm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhưng cần sử dụng công cụ này cho phù hợp. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường là công cụ điều tiết, bảo vệ môi trường, nếu lạm dụng để điều chỉnh giá cả mà quên hoàn toàn vai trò bảo vệ môi trường của sắc thuế này sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu của sắc thuế này, xa rời tôn chỉ mục đích. Vì vậy, khi áp dụng cần vận hành linh hoạt, thống nhất, có mức giảm với liều lượng phù hợp ở từng thời điểm. Phải căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế trên cơ sở Chính phủ có hệ thống thông tin đánh giá đầy đủ toàn diện. Chẳng hạn, phải tính tới các yếu tố như giá cả lạm phát, làm sao để giá xăng dầu trong nước không quá cao cũng như không quá cách biệt với giá thế giới, tránh những nguy cơ như buôn lậu sang thị trường nước ngoài. Tính toán và cân đối khả năng chịu đựng của ngân sách vì khi giảm thuế có thể giảm nguồn thu làm mất cân đối thu chi, các yếu tố tác động đến ổn định vĩ mô; đảm bảo nguồn thu về môi trường, đáp ứng nhiệm vụ chi và bảo vệ môi trường... Ông Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Cần linh hoạt giảm thuế Giá xăng dầu trong nước đã tăng cao theo giá thế giới bởi nhiều nguyên nhân, khiến các loại dịch vụ hàng hóa cũng tăng theo hiệu ứng domino, có cả tình trạng "té nước theo mưa" khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn do dịch bệnh lại càng khó khăn thêm vì giá cả hàng hóa tăng. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng can thiệp, bình ổn giá xăng dầu thông qua cắt giảm thuế phí tại thời điểm này để kéo giảm giá xăng dầu hoặc không để giá xăng dầu trong nước tăng quá cao. Theo tôi, để giảm bớt những cú sốc tăng giá, Chính phủ nên sử dụng tối đa công cụ quỹ bình ổn để điều tiết mức tăng. Đặc biệt, Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm, điều chỉnh ngay các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu... Trong thời điểm hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế một cách linh hoạt, có thể giảm 50% với thuế bảo vệ môi trường, nhưng nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao vẫn có thể giảm mạnh hơn nữa, linh động hơn để kìm giá trong nước, khi giá thế giới ổn định sẽ điều chỉnh trở lại. Không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia cho rằng xăng dầu đã đóng góp rất lớn vào số thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, giá dầu thô được xây dựng dự toán ngân sách chỉ 60 USD/thùng, còn trên thực tế đã lên gần 100 USD/thùng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về số thu ngân sách 2 tháng đầu năm nay, số thu từ dầu thô đạt 8.100 tỉ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp 6 lần trong 2 tháng qua cũng đóng góp rất lớn cho ngân sách. Vì khi giá tăng, chỉ có tiền thuế bảo vệ môi trường là giữ nguyên với xăng là 4.000 đồng/lít, diesel là 2.000 đồng/lít. Còn tiền thuế thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế giá trị gia tăng đối với diesel cũng tăng theo. Do đó, không có lý do gì để không giảm thuế bảo vệ môi trường chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Theo một chuyên gia, sản lượng tiêu thụ bình quân 1 tháng của cả nước đối với xăng là khoảng 900 triệu lít và diesel ước 1.100 triệu lít. Nếu giảm thuế 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít diesel, ngân sách mỗi tháng chỉ giảm thu khoảng 1.500 tỉ đồng. Nếu mức giảm tiền thuế gấp đôi lên 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít diesel, ngân sách giảm thu mỗi tháng khoảng 3.000 tỉ đồng. "Đây là con số rất nhỏ so với tổng thu ngân sách 1 tháng hơn 140.000 tỉ đồng. Như lũy kế tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt tới 323.800 tỉ đồng, bằng 23% dự toán năm". Doanh nghiệp xăng dầu vẫn than lỗ Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng với mức giá bán lẻ hiện tại, doanh nghiệp đang lỗ từ 500 - 700 đồng/lít, nên với đà tăng mạnh của giá thế giới thêm 7%, mức lỗ tiếp tục tăng lên từ 1.500 - 1.800 đồng/lít xăng dầu. Trong khi đó, quỹ bình ổn tiếp tục phải "xả" để kìm giữ giá, nhưng do đang bị âm quỹ nên để có nguồn "xả" quỹ, doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng, song cũng rất khó khăn. "Doanh nghiệp âm quỹ mà vẫn phải chi ra để sử dụng là ăn vào vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi theo quy định, doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng để bù đắp cho quỹ đều phải có hạn mức nhất định, nên giờ muốn đi vay cũng không được. Trong khi giá đã tăng cao gấp đôi nhưng chúng tôi không được tăng hạn mức vay, nên cũng rất khó. Muốn vay thêm phải thế chấp tài sản, doanh nghiệp lấy đâu ra tài sản nữa để vay vốn, bổ sung hàng nghìn tỉ đồng bù đắp phần âm quỹ" - vị này than thở. Một đại diện của doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khu vực phía Bắc cho hay sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3 đã phải tăng mức chiết khấu cho doanh nghiệp từ 200 - 300 đồng, tùy mặt hàng. Nhưng mức giá được điều chỉnh cũng chưa theo kịp được với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới nên tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp kinh doanh. Với các thương nhân phân phối và đại lý, mức chiết khấu dù tăng thêm vẫn chưa đủ bù đắp chi phí của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tiu - giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I, thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội - cho biết trước kỳ điều chỉnh ngày 1-3, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối chỉ quanh mức 200 đồng/lít xăng dầu các loại, nên hầu hết các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh đang chịu lỗ từ 600 - 800 đồng/lít. "Mức chiết khấu phải nâng lên tối thiểu từ 700 - 800 đồng mới có lãi, còn để có lợi nhuận thì chiết khấu phải khoảng 1.000 đồng/lít" - ông Tiu cho hay. |