Liên tục trong tháng 8 và tháng 9, khu vực Cảng Cát Lái, Cảng Phú Hữu (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, dồn ứ hàng hóa.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng phối hợp, có biện pháp xử lý tình trạng trên.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét nội dung kiến nghị của Công an thành phố, chủ động thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông, dồn ứ hàng hóa tại khu vực Cảng Cát Lái, Cảng Phú Hữu. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất trình Ủy ban Nhân dân thành phố giải quyết kịp thời.
Thời gian qua, lượng hàng hóa ra vào các cảng có thời điểm tăng cao đột biến, phương tiện di chuyển ra vào cảng tăng theo, vượt quá khả năng của hệ thống hạ tầng giao thông.
Theo đánh giá của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc bố trí nhân viên trong cảng chưa hợp lý, không đủ bãi chứa container, thiết bị phục vụ hạn chế, sự cố giao thông phát sinh... nên xảy ra tình trạng các phương tiện bị dồn ứ, phải dừng chờ phía ngoài cổng cảng, gây ùn ứ kéo dài ra khu vực xung quanh.
Chỉ trong vòng hai tháng vừa qua, nhiều vụ ùn ứ giao thông kéo dài đã xảy ra tại các tuyến đường khu vực Cảng Cát Lái và Cảng Phú Hữu.
Rạng sáng 29/8, hai xe container va chạm nhau trong đường D (phường Cát Lái) gây cản trở giao thông. Các phương tiện không vào được Trạm cân Quốc Thịnh và Cảng Cát Lái, gây ùn ứ ra tuyến Nguyễn Thị Định và xung quanh; đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày tình hình giao thông mới trở lại bình thường.
Trong khung giờ cao điểm sáng 30/8, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại Giao lộ Mai Chí Thọ và Lương Định Của không hoạt động do mất điện, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn qua khu vực. Khoảng 11 giờ 30 phút, tình hình giao thông mới trở lại bình thường sau khi nhân viên kỹ thuật sửa chữa xong đèn tín hiệu.
Liên tiếp ngày 6/9 và 9/9, lưu lượng xe container vào Cảng Cát Lái tăng cao. Trạm cân Quốc Thịnh chỉ hoạt động một bàn cân, các phương tiện xếp hàng đợi cân kéo dài ra đường Nguyễn Thị Định, dẫn đến tình trạng xe đông trên các tuyến lân cận.
Cùng với đó, rạng sáng 9/9, do thủ tục thông quan trong Cảng Phú Hữu quá chậm, xe container không vào được cảng, gây ùn xe kéo dài trên tuyến Nguyễn Duy Trinh và Võ Chí Công. Chỉ gần trưa, tình hình giao thông mới được ổn định.
Cảng Cát Lái nằm trên tuyến đường Nguyễn Thị Định là nơi tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập của cả nước. Lượng xe container ra vào Cảng Cát Lái bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm, cá biệt có thời điểm lưu lượng tăng rất cao khiến đường Nguyễn Thị Định bị quá tải trầm trọng.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng đầu tháng 8 đến nay, Cụm cảng Trường Thọ (Cảng Phước Long ICD 3, Tây Nam, Transimex, Sotrans, Phúc Long...) hạn chế hoạt động, lượng hàng hóa và phương tiện trước đây tập trung Cụm cảng Trường Thọ đã chuyển sang Cát lái. Điều này khiến số lượng phương tiện tăng đột biến về Cảng Cát Lái, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông tại khu vực cảng này.
Bên cạnh đó, hàng hóa thông quan phải có phiếu cân, các phương tiện di chuyển vào Trạm cân Quốc Thịnh nhiều, gây xung đột giao thông tại khu vực ra vào trạm với đường Nguyễn Thị Định, ảnh hưởng dòng xe ra vào Cảng Cát Lái. Trong khi đó, khung thời gian từ 0 giờ đến 6 giờ sáng, khả năng thông quan của cảng cũng chậm hơn do giảm số cửa thông quan và số lượng nhân viên làm thủ tục.
Về hướng giải quyết, Công an thành phố đề xuất lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, làm đường mới kết nối từ khu vực Cảng Phú Hữu ra đường Võ Chí Công.
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải bổ sung pin dự phòng cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại khu vực; tổ chức lại giao thông khu vực ra vào Trạm cân Quốc Thịnh; bố trí các bãi đất trống chưa sử dụng làm nơi chứa phương tiện khi khu vực cảng bị sự cố.
Các ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp trong khu vực cảng xây dựng phương án, kịch bản xử lý các sự cố bên trong cảng, đặc biệt phải chuẩn bị đủ trang thiết bị, nhân lực, không để các sự cố trong cảng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài từ cổng cảng lan ra các tuyến đường xung quanh.