Song đấu Hollande - Sarkozy

Paris những ngày này trời mưa lạnh nhưng không thể làm nguội không khí ngày càng nóng bỏng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Vòng 1 diễn ra ngày 22-4 cho thấy trận quyết đấu giữa đương kim chủ nhân điện Elysée Nicolas Sarkozy với 9 ứng viên có ý định soán ngôi. Trong đó, François Hollande được xác định là đối thủ nặng ký nhất có khả năng hạ bệ Sarkozy.

Paris những ngày này trời mưa lạnh nhưng không thể làm nguội không khí ngày càng nóng bỏng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Vòng 1 diễn ra ngày 22-4 cho thấy trận quyết đấu giữa đương kim chủ nhân điện Elysée Nicolas Sarkozy với 9 ứng viên có ý định soán ngôi. Trong đó, François Hollande được xác định là đối thủ nặng ký nhất có khả năng hạ bệ Sarkozy.

Đúng 1 tuần trước ngày bầu cử, 2 ứng viên Hollande (đảng Xã hội) và Nicolas Sarkozy (Liên minh vì Phong trào nhân dân - UMP) đã tổ chức biểu dương lực lượng ủng hộ bằng các cuộc mít tinh rầm rộ giữa lòng thủ đô Paris - trái tim nước Pháp. Hollande chọn bãi đất trống gần lâu đài Vincennes và Sarkozy chọn quảng trường Concorde (nơi ông ăn mừng chiến thắng cuộc bầu cử năm 2007).

Báo chí Pháp chia phe trong bình luận. Tờ Libération thiên tả dè bỉu cuộc mít tinh của Sarkozy “không che giấu nổi sự bối rối của đảng cầm quyền UMP”. Trái lại, tờ Le Figaro thiên hữu cũng chua ngoa không kém khi hê lên rằng quảng trường Concorde và lâu đài Vincennes là biểu tượng cho thấy rõ ràng “một bên là những người hướng về tương lai và bên kia là những kẻ bám víu vào quá khứ”, mà người hướng về tương lai dĩ nhiên là ứng viên cánh hữu Sarkozy.

Áp phích tranh cử của 2 ứng viên Hollande và Sarkozy.

Áp phích tranh cử của 2 ứng viên Hollande và Sarkozy.

Những vấn đề gay cấn nhất đối với nước Pháp như nhập cư, lao động, khủng hoảng kinh tế đã trở thành chủ đề chính cho các ứng viên vận động tranh cử. Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, 56 tuổi, theo đuổi cương lĩnh tranh cử tập trung vào các nội dung: bỏ chế độ trợ giúp người lao động bán thời gian, thay thế bằng việc tăng 70EUR/tháng cho khoảng 7 triệu người lao động có lương từ 1.000-1.400EUR/tháng; lập thuế thu nhập đối với người Pháp ra nước ngoài sống để tránh thuế, đánh thuế lợi nhuận tối thiểu đối với các tập đoàn công nghiệp lớn; giảm 50% số người nhập cư hợp pháp, xem xét lại các thỏa thuận Schengen; tổ chức trưng cầu dân ý đối với những vấn đề lớn bị bế tắc (như đào tạo hoặc trợ cấp thất nghiệp, nhập cư).

Ông Sarkozy cũng hứa hẹn cân bằng ngân sách vào năm 2016, khẳng định lựa chọn điện hạt nhân và giữ nguyên mức đóng góp tài chính của nước Pháp vào ngân sách châu Âu như hiện nay.

Trong lúc đó, gần như một sự đối lập, ông Hollande đề ra các mục tiêu: tạo 150.000 việc làm cho giới trẻ, tái lập tuổi về hưu theo luật định là 60 đối với những người đã đóng góp đủ cho quỹ hưu bổng và được hưởng 100% mức lương hưu; ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, tạo 60.000 chỗ làm trong 5 năm; sắp xếp lại các mức tăng thuế, lập thêm mức thuế 45% đối với thu nhập cao hơn 150.000EUR/năm/người và mức thuế 75% đối với các thu nhập trên 1 triệu EUR/năm/người; đấu tranh chống nạn nhập cư trái phép và làm việc bất hợp pháp, thiết lập hợp đồng đón tiếp và hội nhập đối với những người nhập cư hợp pháp; giảm bớt các nhà máy điện nguyên tử sao cho điện có nguồn gốc hạt nhân giảm từ 75% xuống còn 50% vào năm 2025.

Điểm chung đáng chú ý giữa 2 đối thủ này là mục tiêu giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Nhưng phương thức của họ khác nhau, Hollande muốn giảm chi và tăng thuế, trong lúc Sarkozy muốn giảm chi và hạn chế tăng thuế, đặc biệt còn giảm thuế cho người giàu. Nhìn chung, ông Hollande có vẻ được kỳ vọng mang lại điều gì đó mới mẻ hơn sau nhiệm kỳ cầm quyền đầy sóng gió của ông Sarkozy.

Tuy nhiên, giới thượng lưu lại không ưa nổi chủ trương đánh thuế mạnh tay nhắm vào người có thu nhập cao, họ chỉ trích ông Hollande mị dân. Về phần Sarkozy, ông đã hụt rất nhiều những cam kết đề ra khi tranh cử tổng thống năm 2007 và trong 5 năm qua đã có thêm 1 triệu người thất nghiệp, nâng tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 2-2012 lên mức 10%, tệ nhất kể từ tháng 10-1999.

Sự thất bại này được đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và giờ đây, ông thể hiện xu hướng tấn công vào người nhập cư, gây ra mối lo ngại bùng phát tâm lý cực hữu.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, kết quả vòng 1 chưa nói lên được điều gì và chỉ có tác dụng đưa cặp kỳ phùng địch thủ Sarkozy - Hollande vào vòng 2. Vòng 2 diễn ra ngày 6-5 sẽ là cuộc song đấu mặt đối mặt giữa Hollande với Sarkozy, hứa hẹn sẽ gay cấn hơn nữa vì cả 2 sẽ phải ráo riết giành giật số phiếu bầu từ những cử tri đã vắng mặt hoặc bỏ phiếu cho ứng viên khác ở vòng 1.

Các tin khác