Song hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chỉ còn vài năm nữa, Việt Nam sẽ hội nhập hoàn toàn WTO. Theo các chuyên gia, đến thời điểm đó, lĩnh vực nông nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Việt Nam sẽ trở thành sản phẩm chủ lực để cạnh tranh với hàng hóa của các nước trên thế giới. CNC cũng là biện pháp tốt nhất để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản.

Chỉ còn vài năm nữa, Việt Nam sẽ hội nhập hoàn toàn WTO. Theo các chuyên gia, đến thời điểm đó, lĩnh vực nông nghiệp và những sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Việt Nam sẽ trở thành sản phẩm chủ lực để cạnh tranh với hàng hóa của các nước trên thế giới. CNC cũng là biện pháp tốt nhất để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản.

Ở Việt Nam, các DN cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Đưa CNC vào sản xuất nông nghiệp mới có thể thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và giảm bớt rủi ro cho DN, song đến nay, sản phẩm nông nghiệp CNC của Việt Nam vẫn còn khá hiếm hoi vì có rất ít DN tham gia.

Để khuyến khích DN tham gia, Luật CNC đã được ban hành, nhưng thực tế những năm qua các chính sách đó đã không đi vào cuộc sống, không hỗ trợ được DN. Vì vậy, tình trạng bất cập về việc cấp phép, chuyển giao diện tích sản xuất ở nhiều địa phương vẫn liên tiếp diễn ra, dẫn đến số địa phương xây dựng được mô hình nông nghiệp CNC rất hạn chế.

Đồng thời, chính sách tín dụng dành cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này cũng chỉ mới trên lý thuyết mà chưa đi vào thực tiễn. Một số DN cho biết có nhận được thông tin về việc hỗ trợ miễn giảm thuế khi nhập khẩu thiết bị, dây chuyền sản xuất nhưng không biết liên hệ với đầu mối nào.

Trong khi đó, dù diện tích đất nông nghiệp có phần bị thu hẹp trong những năm gần đây nhưng TPHCM lại nổi lên như một điển hình trong việc phát triển nông nghiệp CNC. Thời gian qua, TPHCM đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ dành cho các DN tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC.

Đến nay, TPHCM đã chuyển giao các mô hình ứng dụng hiệu quả cho hơn 1,2 triệu nông dân tại các khu vực vùng ven và số lượng DN tham gia vào nông nghiệp CNC ngày càng tăng. Hiện Khu nông nghiệp CNC đang triển khai nhiều lĩnh vực nghiên cứu như công nghệ sinh học nông nghiệp, canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa-cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu…

Cơ quan quản lý hỗ trợ thông qua công nghệ, huấn luyện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình trình diễn, cung cấp giống có chọn lọc, khảo nghiệm thích hợp điều kiện tự nhiên và quảng bá cách làm nông nghiệp CNC để thu hút DN lẫn người nông dân tham gia.

Với sự kết hợp linh hoạt và hiệu quả giữa các bên, CNC ngày càng thâm nhập sâu vào ngành nông nghiệp TPHCM.

Điều này cho thấy, không phải DN không mặn mà tham gia mà vì DN chưa được hỗ trợ nên chưa mạnh dạn tham gia. Do vậy, các địa phương khác cũng cần tạo ra môi trường ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để DN yên tâm hơn khi đầu tư vào nông nghiệp CNC.

Các tin khác