Trước khi Công ty Địa ốc Dầu khí công bố bán lỗ dự án để trả nợ ngân hàng, nhiều đơn vị bất động sản khác cũng phải đại hạ giá nhằm giải quyết khó khăn về vốn.
Công bố chấp nhận chịu lỗ 70 tỷ đồng để bán tháo 85 căn hộ của dự án Petro Vietnam Landmark, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) khiến dư luận xôn xao. Mua với giá 21,36 triệu đồng mỗi m2, doanh nghiệp phải "đại hạ giá" còn thấp nhất 15,5 triệu đồng mỗi m2 do áp lực trả nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, vụ bán tháo dự án Petro Vietnam Landmark chỉ là phần nổi mà tất cả các nhà đầu tư đều nhìn thấy rõ ràng về làn sóng bán tháo dự án bất động sản.
Trước PVL, đầu tháng 10, CTCP Tập đoàn Đại Dương tung một chiêu khác mà bản chất cũng là đại hạ giá. Theo đó, từ 5-10 đến 5-11, khách hàng mua căn hộ cao cấp StarCity Lê Văn Lương và trả tiền trước so với tiến độ sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 22% một năm cho số tiền đóng trước cho đến khi bàn giao nhà (dự kiến tháng 9-2013).
Công ty CEO Group tặng 10 xe Toyota Corolla Altis 1.8 MT trị giá hơn 700 triệu đồng cho 10 khách hàng ký hợp đồng mua nhà vườn hoặc biệt thự tại Dự án Sunny Garden City (Quốc Oai, Hà Nội) đầu tiên, trong thời gian từ 20/10 đến 30/11... Trước đó, khách hàng mua bất động sản ở Hà Nội có "nằm mơ" cũng không thể có được những ưu đãi kiểu này.
Tại TPHCM, tình trạng giảm giá bán mạnh cũng xuất hiện. Một dự án căn hộ tại Thủ Đức bán năm 2010 giá 17 triệu đồng mỗi m2. Đầu quý II năm nay, chủ đầu tư rao bán dự án với giá 13-14 triệu đồng mỗi m2 kèm theo nhiều ưu đãi về tiến độ thanh toán nhưng vẫn khó khăn.
Bên cạnh các công ty bất động sản lớn, những nhà đầu tư nhỏ cũng giảm giá các sản phẩm mình đang sở hữu để bán cho nhanh nhưng vẫn khó. Chị Kim Phượng, một nhà đầu tư ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho hay, chị mua hơn 100 m2 đất thổ cư và 2 căn hộ chung cư ở khu vực phía Tây với giá hàng tỷ đồng. Tại thời điểm chị mua, chủ đầu tư chiết khấu 4% cho mỗi căn hộ, đến nay, chị giảm từ 6% đến 10% nhưng vẫn chưa có khách hỏi mua.
Giám đốc một sàn giao dịch địa ốc ở khu vực Lê Văn Lương (Hà Nội) chia sẻ, trong hơn một tháng đổ lại đây, nhiều nhà đầu tư ký gửi căn hộ, đất nền và sẵn sàng chấp nhận hạ giá bán, song vẫn không có người hỏi mua. "Thậm chí có những trường hợp sẵn sàng giảm tiền chênh 300-500 triệu đồng mỗi lô đất cũng không thu hút được khách", vị giám đốc này nói.
Bình luận về ảnh hưởng của việc căn hộ PV Landmark bị bán tháo, Tổng giám đốc công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn - Đoàn Chí Thanh dự báo đây có thể là cú sốc đầu tiên của thị trường địa ốc trong quý IV.
Trước tiên, hiện tượng này sẽ khiến cho các dự án trong khu vực quận 2 bị ảnh hưởng không nhỏ. Kế đến, hàng loạt dự án khác ở những quận xa hơn như Thủ Đức, quận 9 ở cùng phân khúc dự án PV Landmark cũng chịu sức ép về cạnh tranh giá bán. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc giảm giá căn hộ PV Landmark không hẳn mang đến lợi ích cho người có nhu cầu thật sự về nhà ở.
Ông Thanh phân tích: "Theo tôi được biết việc hạ giá này chỉ áp dụng cho những trường hợp mua sỉ, thanh toán 90-95% giá trị hợp đồng, không áp dụng cho khách hàng mua lẻ. Vì vậy, thực chất người có nhu cầu thật sự khó có thể mua hàng".
Ông Thanh cho biết thêm, trong quý II, sàn địa ốc của ông cũng dự định liên kết bán 60 căn hộ PV Landmark với giá 19-20 triệu đồng mỗi m2 nhưng do thị trường xấu đã hoãn lại. Nay dự án lại tiếp tục giảm giá thêm, nhiều khả năng các nhà đầu tư sẽ phản ứng tiêu cực. "Nhẹ thì khách hàng chỉ phàn nàn, nặng thì có khả năng họ đòi trả lại căn hộ vì sản phẩm bị rớt giá quá nhiều".
Tổng giám đốc Công ty địa ốc Techcomreal Nguyễn Xuân Lộc nhận định, hiện tượng giảm giá căn hộ khiến người mua trước bị lỗ so với người mua sau và nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi.
Theo ông Lộc, nếu người mua sau tiếp cận được hàng hóa chất lượng với giá rẻ và dòng sản phẩm này được thị trường chấp nhận thì đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu hàng rẻ chất lượng cao thì chủ đầu tư khó có thể có lãi, hoặc phải chấp nhận thua lỗ, dẫn đến thương hiệu của sản phẩm cũng bị sụt giảm theo.
"Trong ngắn hạn, người cần nhà sẵn sàng mua rẻ, chủ đầu tư cắt lỗ sẵn sàng bán rẻ nhưng về dài hạn, không ai muốn sở hữu một tài sản mà giá trị của nó luôn bị giảm theo thời gian" - ông Lộc nói.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cen Group, cho rằng, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, nhà đầu tư buộc phải tìm mọi cách để bán tháo nhà đất nhằm thu tiền về. Các dự án cũ đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các dự án mới.
Cụ thể, ở khu đô thị mới Yên Hòa (Hà Nội), nhiều dự án trước đó bán ra với giá 34-35 triệu đồng mỗi m2, song nay, nhiều dự án mới được chủ đầu tư chào bán với giá 29-29 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với công trình cũ.
Chuyên gia này giải thích, việc trực tiếp giảm giá trên sản phẩm sẽ giúp người bán dễ dàng đẩy sản phẩm đi nhưng lại dễ ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư đã mua sản phẩm trước đó. Các hình thức khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất, giãn tiến độ, chiết khấu là chiến thuật thông minh không làm thay đổi giá niêm yết và vẫn thực hiện được mục tiêu kích cầu.
Thực chất, theo ông Hưng, trong bối cảnh không bán được hàng, khó tiếp cận vốn vay, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn về vốn nên buộc phải tìm mọi chiến thuận để đẩy hàng. "Chủ đầu tư càng chạy nhanh trong cuộc đua bán tháo sẽ càng về đích sớm. Cắt lỗ là giải pháp an toàn nhất trong điều kiện địa ốc đang ảm đạm như hiện nay" - ông Hưng nói.