Sóng nới room ngoại hạ nhiệt

(ĐTTCO) - Kế hoạch nới room ngoại luôn tạo nên sự phấn khích cho các cổ đông và NĐT trên TTCK với những đợt sóng tăng mạnh bất chấp tình hình nội tại của doanh nghiệp.
 Tuy nhiên, sau những cơn “say sóng”, NĐT mới nhận ra rằng nới room không là chìa khóa duy nhất để tạo nên sự chuyển biến hay đột phá cho doanh nghiệp trong tương lai.
Khuấy động thị trường
 Theo nhiều doanh nghiệp, nới room ngoại không chỉ có màu hồng do những lo ngại bị mất quyền kiểm soát, bị thâu tóm hay đánh mất thương hiệu được gầy dựng bấy lâu nay.
Ngày 20-9, UBCKNN đã có công văn chấp thuận cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) được nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại doanh nghiệp từ 49% lên 100% vốn điều lệ. Như vậy sau hơn 3 tháng triển khai các thủ tục, room ngoại tại BMP đã chính thức được mở theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm nay và kế hoạch thoái vốn khỏi BMP trong năm 2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Thực ra thông tin nới room và SCIC thoái vốn khỏi BMP đã được đồn đoán từ năm 2016, đây cũng là một trong những yếu tố đẩy giá CP doanh nghiệp này từ mức 130.000 đồng/CP thời điểm đầu năm lên trên 190.000 đồng/CP thời điểm cuối năm 2016. Dù vậy, ngay khi có công văn chấp thuận từ UBCKNN, BMP cũng ghi nhận được nhiều phiên tăng giá dù tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. 
Ngay sau sự kiện BMP, thị trường lại đón nhận thêm thông tin nới room NĐTNN từ CTCP Fecon (FCN). Theo doanh nghiệp này, UBCKNN đã nhận được đầy đủ tài liệu, hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu NĐTNN từ 49% như hiện nay lên tối đa 75%. Thông tin này nhanh chóng tạo nên hiệu ứng tích cực cho FCN với phiên tăng trần hiếm hoi sau gần 3 tháng giao dịch trong xu hướng đi xuống (giảm từ mức trên 28.000 đồng/CP xuống chỉ còn 21.000 đồng/CP).
Trước đó, thông tin nới room ngoại cũng giúp cho CP của nhiều doanh nghiệp khuấy động TTCK như: CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), CTCP Everpia (EVE), CTCP Sữa Việt Nam (VNM), CTCK Sài Gòn (SSI), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII)… Thậm chí, sóng nới room còn có sức hút với cả những doanh nghiệp chỉ manh nha ý định hoặc mới trình ĐHCĐ như CTCP Coteccons (CTD), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Tập đoàn Kido (KDC), CTCP PVI (PVI).]
Sóng nới room ngoại hạ nhiệt ảnh 1 Sản xuất kinh doanh của BMP có dấu hiệu chững lại, nên việc nới room ngoại nhanh chóng hạ nhiệt. 
Nhanh chóng hạ nhiệt
Không kéo dài như đợt sóng trong năm 2016, sóng nới room của BMP nhanh chóng hạ nhiệt chỉ sau 2 phiên tăng trước áp lực bán ra của bên nắm giữ. Việc BMP nhanh chóng điều chỉnh là điều dễ hiểu, bởi doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp nhựa này sụt giảm đến 34% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu thuần tăng 8,6% lên mức 1.841 tỷ đồng.
Nguyên nhân BMP đưa ra do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu làm giá vốn hàng bán tăng 17%. Theo giới phân tích, nguồn cung Ethylene (khí không màu, một hóa chất quan trọng để sản xuất các loại hạt nhựa thiết yếu) khan hiếm do siêu bão Harvey tại Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất nguyên liệu PVC tại quốc gia này.
Giá hạt nhựa PVC sau khi duy trì mức thấp 860USD/tấn trong quý II đã tăng trở lại lên 940USD/tấn vào giữa tháng 9 năm nay. Thực tế, việc giá nguyên liệu tăng không chỉ thách thức duy nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Một yếu tố khiến NĐT quan ngại chính là chính sách chiết khấu bán hàng được đánh giá không mang lại hiệu quả cho BMP. 
Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), BMP đã giữ khá ổn định tỷ lệ chiết khấu cho đại lý 11% trong vài năm qua do chiến lược tập trung vào chất lượng sản phẩm và không chạy đua về giá với các đối thủ.
Đầu năm 2017, nhận thấy tình hình cạnh tranh gia tăng mạnh hơn và mong muốn giữ thị phần, cũng như đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ để tận dụng hiệu quả công suất máy móc tăng thêm, BMP đã tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 4% sau thời gian dài cân nhắc. Tuy nhiên, chiến lược giảm giá này đã không đem lại hiệu quả như kỳ vọng khi các đối thủ cũng thực hiện tăng chiết khấu theo, làm BMP không thể đẩy mạnh sản lượng và bức tranh lợi nhuận của ngành thêm phần ảm đạm.
Tương tự, FCN cũng quay đầu điều chỉnh giảm chỉ sau 1 phiên tăng trần do NĐT lo ngại về hàng loạt phương án phát hành CP sắp tới của doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 31-8, HĐQT của doanh nghiệp này đã thông qua nghị quyết về việc chào bán CP cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Trong đó phê duyệt chào bán 33 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 15.000 đồng/CP (tỷ lệ thực hiện quyền 60%).
Song song đó, FCN còn có kế hoạch phát hành 2,5 triệu CP ESOP với giá 10.000 đồng/CP và phát hành riêng lẻ 25 triệu CP cho đối tác chiến lược với giá không thấp hơn 22.000 đồng/CP. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của FCN sẽ tăng từ 543,5 tỷ đồng lên 873,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, FCN còn một lượng trái phiếu chuyển đổi đáo hạn vào tháng 4-2019 với giá trị 327,5 tỷ đồng, tương đương số lượng 16,7 triệu CP được chuyển đổi. Theo nhận định của giới đầu tư, kế hoạch phát hành tăng vốn lần này sẽ tạo áp lực không nhỏ từ việc pha loãng CP và tăng trưởng lợi nhuận để đảm bảo tăng trưởng EPS trong thời gian tới. FCN hiện đang tham gia nhiều dự án BOT giao thông nên việc thu hồi vốn dự báo sẽ kéo dài.

Không chỉ có màu hồng
Yếu tố khiến cho NĐT hào hứng với thông tin nới room ngoại là những lợi ích như tăng sức mạnh cho doanh nghiệp, tiếp cập được dòng vốn ngoại, tận dụng thế mạnh về quản trị của các cổ đông nước ngoài và đặc biệt là thu hút thêm nhiều sự quan tâm do điều kiện đầu tư đã không bị giới hạn.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC, việc điều chỉnh tỷ lệ cho NĐTNN đem lại nhiều tiềm năng phát triển cũng như gia tăng giá trị cho cổ đông hiện tại. Sự tham gia của NĐTNN còn giúp doanh nghiệp củng cố và nâng cao vị thế cạnh tranh tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, muốn có được sự tham gia của đối tác ngoại, doanh nghiệp phải chấp nhận hy sinh nhiều quyền lợi. Chẳng hạn, để đủ điều kiện nới room ngoại, HĐQT của CTD phải chấp nhận hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như môi giới bất động sản, dịch vụ khách sạn và du lịch lữ hành.
Thế nhưng, một khi kế hoạch nới room được các cơ quan quản lý chấp thuận, khả năng lấp đầy 100% như kỳ vọng của các cổ đông không nhiều, bởi sức hút các doanh nghiệp này mang lại không nhiều. Đơn cử trường hợp của DMC, một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận nới room ngoại lên 100%, nhưng đến thời điểm hiện nay, NĐTNN cũng chỉ mới nắm gần 63% vốn.
Kết quả kinh doanh của DMC cũng không có gì nổi bật so với các doanh nghiệp chưa được nới room. Tương tự trường hợp của VHC, đến nay room NĐTNN của doanh nghiệp này mới chỉ lấp được 38,72% trong khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 giảm gần 44% so với cùng kỳ. Hay như EVE với lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 giảm 45% so với cùng kỳ, trong khi room ngoại mới chỉ nâng lên được 63,93%.

Các tin khác