“Sóng” tỷ giá?

Gần 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng tỷ giá thêm 1%, tỷ giá liên tiếp tăng trên thị trường chính thức lẫn chợ đen. Trong khi đó, NHNN khẳng định năm nay tỷ giá sẽ ổn định, nếu có biến động không quá 2-3%. Vậy nguyên nhân của sóng tỷ giá từ đâu, liệu còn tăng tiếp?

Gần 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng tỷ giá thêm 1%, tỷ giá liên tiếp tăng trên thị trường chính thức lẫn chợ đen. Trong khi đó, NHNN khẳng định năm nay tỷ giá sẽ ổn định, nếu có biến động không quá 2-3%. Vậy nguyên nhân của sóng tỷ giá từ đâu, liệu còn tăng tiếp?

Từ cầu thật đến cầu ảo

Hơn 2 năm qua, kể từ sau lần điều chỉnh ngày 11-2-2011, niềm tin của thị trường được củng cố khi tỷ giá USD/VNĐ luôn ổn định. Đây là một thành công trong điều hành của NHNN, góp phần giữ ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát, hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Đặc biệt, khi độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, NHNN đã hạn chế được tình trạng vàng nhập lậu hợp thức hóa dưới dạng vàng miếng SJC, góp phần giảm áp lực cầu ngoại tệ đáng kể trong thời gian qua.

Điều quan trọng đặt ra cho NHNN trong năm nay là bên cạnh ổn định tỷ giá theo mục tiêu đề ra, cần phải triệt tiêu cầu ảo và nguyên nhân tạo ra cầu ảo này.

Nhưng gần đây, tỷ giá đã bắt đầu có sóng trở lại, dù trước khi điều chỉnh tỷ giá thêm 1% trong lộ trình dự kiến tăng 2-3% trong năm nay, NHNN đã tuyên bố mạnh mẽ sẽ duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2013, góp phần củng cố niềm tin vào đồng Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ giá, trong đó quan trọng là thâm hụt thương mại tháng 5 và 6 gia tăng đã tác động đến tỷ giá. Yếu tố này tích cực nhiều hơn khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước tăng trở lại, góp phần tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Hiện nay, các NHTM không được phép cho vay ngoại tệ nhập khẩu, chỉ cho vay ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho xuất khẩu. Điều này cũng góp phần làm lực cung tỷ giá trên thị trường mua bán chính thức tăng lên.

Áp lực tăng tỷ giá từ nội công, ngoại kích. Ảnh: LONG THANH

Áp lực tăng tỷ giá từ nội công, ngoại kích. Ảnh: LONG THANH

Tình trạng hụt ngoại tệ xảy ra khiến nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đua nhau đẩy tỷ giá lên cao để thu USD vào. Ngay thời điểm NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1%, lãi suất tiền đồng giảm mạnh, đã kích thích nhu cầu nắm giữ và không bán ra ngoại tệ của doanh nghiệp, cá nhân có nguồn ngoại tệ. Điều này cũng tác động làm tăng cầu ngoại tệ.

Chưa kể, các NHTM khi tăng trưởng tín dụng chậm, thừa ứ tiền đồng cũng quay sang dùng tiền đồng mua ngoại tệ kinh doanh, góp phần gây áp lực lên cầu ngoại tệ.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới còn cao, đã xuất hiện tình trạng gom USD nhập lậu vàng. Tuy nhiên yếu tố này không còn lớn khi NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, nên vàng nhập lậu hợp thức hóa dưới dạng nữ trang nếu có cũng không đáng kể.

Điều đáng lo là tình trạng giới đầu cơ vàng, giới tài chính kinh doanh tiền tệ tận dụng đầu cơ khi dự đoán NHNN đấu thầu vàng miếng từ đầu năm đến nay đưa ra thị trường một số lượng vàng lớn, tức nhập khẩu vàng, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối góp phần làm tăng tỷ giá.

Nhất là những NHTM có lợi thế vốn lớn, có thể kinh doanh ngoại tệ với trạng thái quy định ±20% hiện nay, cũng đủ để tạo sóng gây căng thẳng thị trường ngoại tệ. Như vậy cầu ngoại tệ trên thị trường đã góp phần làm tỷ giá tăng, trong đó có cả cầu ảo và cầu thật.

Ổn định tâm lý

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; đặc biệt là diễn biến lạm phát nhằm kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN giám sát kỹ diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại tệ để có chính sách điều hành thị trường ngoại hối phù hợp.

Có thể thấy điều này là yêu cầu cấp bách đặt ra, bởi để tỷ giá tiếp tục tăng vượt mức dự kiến của NHNN, có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là thời điểm này giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng hồi phục, tỷ giá tăng bất thường, có thể gây áp lực nhập khẩu lạm phát cho nước ta từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại nhất là tỷ giá leo thang kéo theo tâm lý thích nắm giữ, đầu cơ, cất trữ vàng và ngoại tệ của dân sẽ gia tăng, gây áp lực lên tiền đồng Việt Nam và hệ thống NHTM. Điều này nếu xảy ra sẽ phá tan mọi nỗ lực quản lý thị trường vàng và ổn định thị trường ngoại hối của NHNN.

Áp lực tăng tỷ giá có cả yếu tố ngoại lai tác động. Đơn cử, trên thị trường quốc tế đồng USD đã mạnh lên so với hầu hết đồng tiền khác cũng như đối với các hàng hóa. Kể từ đầu năm đến thời điểm này USD tăng 7,7% và trở thành đồng tiền tăng mạnh nhất trong 10 đồng tiền của thị trường phát triển. Do vậy, tỷ giá VNĐ/USD tăng là điều tất yếu và phù hợp với diễn biến thị trường thế giới.

TS. Lê Xuân Nghĩa,
chuyên gia tài chính

Trong tình hình hiện nay, việc điều hành tỷ giá phải chịu chi phối của quy luật cung cầu. Trong thời gian qua nhờ giữ được sự ổn định tỷ giá, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, dự báo trong 2013 cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 4-5 tỷ USD.

Điều đó chứng tỏ mức cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào và vẫn có thể đảm bảo ổn định cân đối được cung cầu ngoại tệ. Hơn nữa, lạm phát xuống thấp nên tỷ giá có điều kiện ổn định hơn, kỳ vọng về sự mất giá đồng tiền cũng ít đi và là điều kiện thu hút vốn ở bên ngoài vào Việt Nam, làm dự trữ ngoại hối vững chắc hơn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa: “Để ổn định tỷ giá trong năm nay là có cơ sở, nhưng để triệt tiêu tình trạng đầu cơ đẩy tỷ giá biến động, NHNN sẽ phải thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp đồng bộ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhà tài trợ, dự trữ ngoại tệ phải đủ lớn. Hiện nay, NHNN đứng trước áp lực lớn vừa phải can thiệp bình ổn và quản lý thị trường vàng, vừa phải bảo vệ cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại tệ. Hiện tại cầu vàng cho thị trường vẫn còn lớn nên áp lực lên tỷ giá vẫn còn tồn tại.

Chỉ khi nào hệ thống NHTM thực sự cân bằng, tất toán hết trạng thái vàng, NHNN mới có thể áp dụng những giải pháp dài hạn để bình ổn thị trường vàng, góp phần ổn định tỷ giá. Hiện nay, trong ngắn hạn để hạn chế đầu cơ, NHNN nên tiến hành kiểm tra, thanh tra giám sát thị trường ngoại hối cả chính thức lẫn tự do.

Ngoài việc kiểm tra dẹp nạn đầu cơ, NHNN cần mạnh dạn bán ra cung ứng thanh khoản USD trên thị trường liên NH để bảo đảm nguồn USD phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH ở mức linh hoạt, phù hợp với cung cầu thị trường”.

Vấn đề quan trọng nhất của điều hành tỷ giá là tạo niềm tin cho thị trường, từ đó mới có thể giảm được tâm lý đầu cơ ngoại tệ gây biến động tỷ giá. Từ nay đến cuối năm nếu tỷ giá có biến động sẽ chỉ nằm trong vùng điều chỉnh thêm 1-2%.

Mức biến động này cộng với lãi suất ngoại tệ ở mức quá thấp 0,25-0,5%/năm như hiện nay, nắm giữ ngoại tệ không có lợi cho người dân so với nắm giữ tiền đồng. Nhưng nếu không có chính sách ổn định kinh tế, tạo niềm tin cho người dân vào nội tệ, người dân sẽ có tâm lý chuộng ngoại tệ, doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ găm giữ, làm giá để kỳ vọng tỷ giá lên mới bán ra.

Các tin khác