Sau một thời gian diễn ra nhộn nhịp, đến nay cơn sốt đất tại tỉnh Đắk Lắk đã tạm lắng xuống nhưng đã để lại nhiều hệ luỵ. Tại một số điểm nóng sốt đất, nhiều gia đình dân tộc thiểu số phát hiện mình bị mất hết thổ cư sau khi bán một phần đất và giao cho người mua tự đi làm thủ tục tách thửa, sang tên.
Nhiều gia đình không rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đang ở đâu, thửa đất có còn đứng tên mình hay không sau khi thực hiện các giao dịch bán một phần thửa đất. Có những dấu hiệu cho thấy có sự lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những lỗ hổng trong quy trình thực hiện các giao dịch về đất đai, nhất là tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để lừa dối, thậm chí lừa đảo.
Gia đình bà H’ Bluên Niê, buôn Sút H’luốt, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar có 3 sào đất, được cấp 400m2 thổ cư và đã xây căn nhà cấp 4 trên diện tích này. Cách đây hơn 1 năm, giá đất trên địa bàn tăng cao, gia đình bà H’ Bluên thoả thuận bán 1 sào đất (trong đó 240m2 thổ cư) với giá 590 triệu đồng cho 1 người ở TP Buôn Ma Thuột.
Do thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật, nên bà H’ Bluên Niê đã giao các giấy tờ cho người mua đi thực hiện các thủ tục tách thửa và sang tên. Tuy nhiên, sau khi tách thửa xong, người mua trả lại bìa đỏ thì gia đình bà phát hiện không còn mét đất thổ cư nào. Bức xúc, bà H’ Bluên không nhận lại bìa đỏ và yêu cầu người mua phải hoàn trả lại phần thổ cư 160m2 của bà như đã thoả thuận ban đầu.
“Khi họ trả bìa đỏ, mình coi không thấy đất thổ cư giống bìa cũ nên phản đối không nhận lại. Họ nói không có đất thổ cư có lấy tiền không, mình nói không lấy tiền, chỉ lấy đất thổ cư như trong bìa cũ”, bà H’ Bluên Niê kể.
Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình bà H’Luyên Niê, buôn Sút H’luốt, xã Cư Suê đã bán 900m2 đất (trong đó có 300m2 thổ cư) cho 1 người ở TP Buôn Ma Thuột và giao giấy tờ cho người này đi làm các thủ tục. Tuy nhiên gần 2 năm trôi qua, người mua đất vẫn chưa trả lại bìa đỏ, gia đình bà H’Luyên rất lo lắng, không biết người mua đất đã làm gì với bìa đất của mình.
“Bìa đỏ có tất cả 400m2 thổ cư, họ mua 300m2 mình còn lại 100m2 thổ cư. Mình đưa họ bìa đi làm thủ tục ở công ty bất động sản ngoài kia mà 2 năm rồi chưa thấy giấy tờ nên rất đang lo lắng. Họ làm hợp đồng nhưng giấy hợp đồng họ thu hết, còn giấy tờ họ nói mượn để làm thủ tục cho tới bây giờ chưa thấy”, bà H’Luyên Niê hoang mang.
Theo bà H’Đàn Niê, Buôn Trưởng buôn Sút H’luốt, qua nắm bắt tình hình trong buôn có nhiều trường hợp bán một phần đất nhưng lại mất hết đất thổ cư. Buôn đang vận động các hộ cung cấp thông tin để tổng hợp báo cáo với các cấp chính quyền. Theo bà H’Đàn, cơ bản các hộ dân đều thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như các thủ tục giao dịch đất đai, bà con chỉ biết ký tên và điểm chỉ mà không rõ nội dung hợp đồng giao dịch cụ thể thế nào nên rất dễ bị lừa, bị gài bẫy.
“Rơi vào những trường hợp như vậy thực sự rất khó khăn cho bà con vì không còn đất ở. Nhà xây dựng trước lúc bán đất là hợp pháp lâu dài, nhưng bây giờ coi như là nhà dựng trên đất nông nghiệp. Có một số hộ giao giấy tờ cho người mua nhưng gần 2 năm chưa được nhận lại. Nói chung do sự kém hiểu biết của bà con, không biết về luật đất đai, hợp đồng người ra ghi thế này thế kia nhưng một số người không đọc được chữ, nghe bên mua kêu ký là cứ ký”, bà H’Đàn cho biết.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, huyện đang yêu cầu các xã, thị trấn tổng hợp, báo cáo đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ xem có dấu hiệu lừa đảo hay không. Về phía các cơ quan chức năng, nếu có sai phạm, tiêu cực, tiếp tay cho việc tách hết đất thổ cư của bà con, huyện sẽ xử lý hoặc báo cáo cơ quan cấp trên xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật.
“UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan anh ninh cũng như UBND các xã, thị trấn nắm tình hình thực tế diễn ra tại cơ sở, xác minh rõ ràng cụ thể từng trường hợp, từng vụ việc, trên sở đó báo cáo về UBND huyện xem xét, chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định. Những trường hợp lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà con để thực hiện hành vi lừa đảo, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm chắc chắn cơ quan điều tra sẽ phải vào cuộc, không để tình trạng này kéo dài”, ông Văn quả quyết.
Sau sốt đất, nhiều gia đình ở xã Cư Suê nói riêng, tại tỉnh Đắk Lắk nói chung đang đứng ngồi không yên vì không rõ người mua đất đã làm cách nào để lấy hết thổ cư của mình. Trong khi đó, nhiều gia đình lại không rõ bìa đỏ giao cho người mua đất hiện đang ở đâu, thửa đất có còn đứng tên nữa hay đã bị sang nhượng, cầm cố. Bà con bị lừa dối, thậm chí bị lừa đảo mà không hề hay biết, và cũng chưa biết làm thế nào để đòi lại quyền lợi của mình.