S&P 500 chạm mức cao nhất mọi thời đại; Dầu tăng hơn 2%

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 chạm đỉnh vào thứ Sáu (19/01), khi nhà đầu tư quay trở lại mua vào cổ phiếu sau đợt suy giảm ngắn của thị trường vào đầu năm. Giá dầu gần như đi ngang, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
S&P 500 chạm mức cao nhất mọi thời đại; Dầu tăng hơn 2%

S&P 500 tăng hơn 1%

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 1.23% lên 4,839.81 điểm, vượt cả mức cao kỷ lục trước đó trong phiên và mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 1/2022. Trong khi, chỉ số Dow Jones, đã lập kỷ lục của mình vào cuối năm ngoái, tăng mạnh 395.19 điểm, tương đương 1.05%, lên 37,863.80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.70% lên 15,310.97 điểm. Chỉ số Nasdaq-100 tăng 1.95% lên mức cao kỷ lục.

Cả 3 chỉ số chính hiện đều ghi nhận mức tăng trong năm 2024, với Dow Jones chuyển sang sắc xanh trong đợt tăng điểm ngày thứ Sáu.

Sau khi bốc hơi 19% trong năm 2022, S&P 500 đã bức phá trở lại vào năm 2023, nhảy vọt 24% khi nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái mà nhiều người đã dự đoán và lạm phát hạ nhiệt xuống mức cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng nâng lãi suất. S&P 500 đã gần đạt được mức cao kỷ lục sau đợt phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2023, nhưng cuối cùng lại giảm xuống. Đà leo dốc của thị trường tạm dừng một chút vào đầu năm 2024 khi nhà đầu tư chốt lời ở các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple.

Tuy nhiên, họ đã quay lại mua những cổ phiếu công nghệ hàng đầu đó trong những ngày gần đây. Cột mốc quan trọng vào thứ Sáu xác nhận rằng thị trường chứng khoán chính thức ở trong mô hình thị trường tăng giá bắt đầu vào tháng 10/2022, chứ không chỉ là một đợt phục hồi trong mô hình thị trường giảm giá. S&P 500 đã tăng hơn 35% kể từ mức thấp đó.

Lĩnh vực công nghệ đã tăng 2.35% trong thứ Sáu và tiến hơn 4% trong tuần này, đánh dấu lĩnh vực có hoạt động tốt nhất thuộc S&P 500 từ đầu tuần đến nay.

Dữ liệu tiêu dùng mới cũng cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trở nên tin tưởng hơn vào nền kinh tế và lạm phát. Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy mức tăng 21.4% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 7/2021.

Dầu tăng hơn 2% trong tuần qua

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent mất 10 xu xuống 79 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI hạ 10 xu còn 73.98 USD/thùng.

Craig Erlam, Chuyên gia phân tích tại Oanda, cho biết: “Trong khi giá dầu thô vẫn nhạy cảm với những sự kiện ở Trung Đông, như chúng ta đã thấy trong vài tuần qua, thị trường dầu vẫn cân bằng tốt. Sự gián đoạn nguồn cung vẫn là một rủi ro tăng giá nhưng cũng có những rủi ro giảm giá, bao gồm nền kinh tế toàn cầu.”

Tuần qua, hợp đồng dầu WTI tăng 2%, còn hợp đồng dầu Brent tăng 1%. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng giá vào ngày 18/01 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024.

Bất chấp dự báo tăng trưởng nhu cầu cao hơn, dự báo của IEA chỉ bằng 50% so với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và IEA cũng cho biết ngoại trừ sự gián đoạn đáng kể đối với dòng tiền, thị trường dường như có nguồn cung khá tốt vào năm 2024.

Trong khi những căng thẳng ở Trung Đông không làm ngừng bất kỳ hoạt động sản xuất dầu nào, tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp diễn ở Libya và khoảng 40% sản lượng dầu ở Bắc Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, vẫn tạm ngừng hoạt động do thời tiết lạnh giá.

Các tin khác