Fed tái khẳng định lập trường cứng rắn về lạm phát
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 84.50 điểm, tương đương 0.26%, xuống 33,045.09 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.16% còn 3,991.05 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.13% lên 11,507.07 điểm.
Biên bản cuộc họp của Fed cho thấy lạm phát vẫn “cao hơn” so với mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường lao động “vẫn thắt chặt, góp phần tiếp tục gây áp lực tăng lương và lạm phát.”
Các quan chức Fed cũng lưu ý rằng “dữ liệu lạm phát nhận được trong 3 tháng qua cho thấy sự sụt giảm đáng hoan nghênh vể tốc độ tăng lạm phát hàng tháng, nhưng, nhấn mạnh rằng cần có thêm bằng chứng để tin chắc rằng lạm phát đang ở suy giảm ổn định,” biên bản họp cho biết.
Biên bản cuộc hợp của Fed được công bố sau khi Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cảnh báo trước đó vào ngày thứ Tư rằng cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng trung ương còn lâu mới kết thúc.
Những lo ngại gia tăng rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất khiến nhà đầu tư hoảng sợ vào ngày 21/02 và khiến chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Quincy Krosby, giám đốc chiến lược toàn cầu của LPL Financial, cho rằng việc công bố biên bản cuộc họp của Fed không làm thay đổi quỹ đạo của thị trường, khi nhà đầu tư vẫn kiên định với niềm tin rằng Fed sẽ không tiếp tục nâng lãi suất mạnh hơn nữa.
Cổ phiếu của Palo Alto Networks tăng 12,5% sau khi công ty an ninh mạng nâng dự báo thu nhập trong năm. Nền tảng trao đổi tiền điện tử Coinbase đứng đầu kỳ vọng về doanh thu, nhưng cổ phiếu đã giảm 1,4%.
Dầu giảm do rủi ro lạm phát cao làm dấy lên lo ngại về nhu cầu
Khép phiên, dầu thô Brent giảm 2.45 USD, tương đương 3%, xuống 80.60 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.41 USD, tương đương 3%, kết thúc ở mức 74.05 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều khép phiên tại mức thấp nhất kể từ ngày 03/02/2023.
Biên bản cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy đa số các quan chức Fed đồng ý rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là “yếu tố chính” định hình chính sách tiền tệ và đảm bảo việc tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi kiểm soát được lạm phát.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Mặc dù dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn nghĩa là nhu cầu dầu tốt hơn, nhưng mối lo ngại là điều này buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Điều này cũng hỗ trợ đồng USD, vốn không tích cực đối với dầu mỏ.”
Chỉ số đô la Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp, khiến dầu được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Tuy nhiên, các báo cáo kinh tế khác của Mỹ cho thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại đối với quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Doanh số bán nhà ở hiện tại trong tháng 1/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo tăng 2.1 triệu thùng trong tuần trước, và đã tăng trong khoảng 2 tháng qua.
Nhu cầu dầu thô theo mùa cũng thấp hơn khi các nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ đang trong mùa bảo dưỡng.