S&P 500 phá kỷ lục 4 phiên liền; Dầu tăng nhẹ

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng điểm vào thứ Năm (13/06) để ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục thứ 4 liên tiếp, khi nhà đầu tư cân nhắc thêm dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát có thể đang giảm bớt. Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng nhẹ. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
S&P 500 phá kỷ lục 4 phiên liền; Dầu tăng nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.23% lên 5,433.74 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.34% lên 17,667.56 điểm. Thứ Năm đánh dấu phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục thứ 4 liền của cả S&P 500 và Nasdaq Composite. Trong khi, chỉ số Dow Jones sụt 65.11 điểm, tương đương 0.17%, còn 38,647.10 điểm.

S&P 500 và Nasdaq Composite đều đạt mức cao kỷ lục trong tuần này, được thúc đẩy bởi dữ liệu mới cho thấy dấu hiệu áp lực lạm phát hạ nhiệt.

Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 5 tại Mỹ giảm 0.2% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Báo cáo này được đưa ra một ngày sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 cũng thấp hơn dự báo của Phố Wall.

Dữ liệu vào thứ Năm cũng được đưa ra sau quyết định chính sách của Fed. Fed đã giữ lãi suất không thay đổi, nhưng lưu ý rằng đã có tiến triển trong vấn đề lạm phát. Điều đó nói lên rằng, ngân hàng trung ương đã giảm kỳ vọng hạ lãi suất trong năm 2024 từ 3 đợt theo dự báo trước đó xuống còn 01 đợt.

Cổ phiếu Broadcom bật tăng hơn 12% sau khi công ty sản xuất con chip công bố kết quả tài chính quý 2 vượt kỳ vọng và thông báo chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1. Mặt khác, cổ phiếu Dave & Buster’s Entertainment lao dốc gần 11% sau khi doanh thu quý 1 của công ty không đạt kỳ vọng.

Cổ phiếu Generac và Paramount Global lần lượt bốc hơi 4.6% và 6.9%, nằm trong số những cổ phiếu giảm giá đáng chú ý nhất thuộc S&P 500. Cổ phiếu Salesforce và Amazon cũng lần lượt rớt 2.9% và 1.6%, góp phần khiến Dow Jones giảm điểm.

Lạm phát tại Mỹ có vẻ hạ nhiệt

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Năm cho thấy giá bán buôn bất ngờ giảm 0.2% trong tháng 5 sau khi tăng hồi tháng 4. Báo cáo giá sản xuất được đưa ra sau số liệu vào ngày 12/06 cho thấy giá tiêu dùng không thay đổi trong tháng 5.

Giá dầu đã tăng 4% từ đầu tuần đến nay, phục hồi từ đợt bán tháo hồi tuần trước khi OPEC+ có kế hoạch nâng sản lượng trong quý 4/2024. Các chuyên gia phân tích thị trường dầu nhìn chung xem đợt bán tháo đó là một phản ứng thái quá.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 12 xu, tương đương 0.15%, lên 78.62 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 15 xu, tương đương 0.18%, lên 82.75 USD/thùng.

Fed đã giữ lãi suất không đổi vào hôm thứ Tư và dự kiến chỉ có 01 đợt hạ lãi suất trong năm nay, giảm so với 03 đợt dự kiến trước đó. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm tăng nhu cầu dầu thô. Việc hạ lãi suất ít hơn trong năm nay có thể có nghĩa là giá dầu thô tăng ít hơn.

Mỹ cũng báo cáo dự trữ dầu thô bất ngờ tăng 3.7 triệu thùng, trong khi các chuyên gia phân tích dự báo dự trữ giảm. Dự trữ xăng tăng 2.6 triệu thùng khi nhu cầu nhiên liệu vẫn thấp.

Ngày càng nhiều chuyên gia phân tích nhận thấy thị trường dầu mỏ thắt chặt ít nhất đến quý 3/2024 trước khi nới lỏng trong năm 2025. Peter Low, Chuyên gia phân tích tại Redburn Atlantic, nhận thấy mức thâm hụt dầu là 1.7 triệu thùng/ngày trong quý 3/2024 và 1.5 triệu thùng/ngày trong quý 4/2024, trước khi trở nên dư cung vào năm tới.

Các tin khác