S&P 500 rực xanh 4 phiên liền; Dầu tăng giá khi nguồn cung khan hiếm

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 khởi sắc phiên thứ 4 liên tiếp vào thứ Tư (30/8), khi nhà đầu tư đánh giá dữ liệu kinh tế Mỹ mới nhất. Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ.
S&P 500 rực xanh 4 phiên liền; Dầu tăng giá khi nguồn cung khan hiếm

Phố Wall hạn chế đà giảm vào cuối tháng

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.38%, vượt mốc 4,500, lên 4,514.87 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 37.57 điểm, tương đương 0.11%, lên 34,890.24. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.54% lên 14,019.31. Đà tăng 4 phiên liền của S&P 500 đã giúp chỉ số này xoá bớt mức giảm từ đầu tháng đến nay xuống còn 1.6%.

Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 ghi nhận sắc xanh nhờ đà tăng gần 1% của cổ phiếu Nvidia. Cổ phiếu Apple tiến gần 2%, một ngày sau khi công ty gửi lời mời tham dự sự kiện dự kiến ra mắt iPhone 15 vào ngày 12/09.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm khi nhà đầu tư chú ý đến dữ liệu việc làm gây thất vọng. ADP cho biết khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra thêm 177,000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn so với 371,000 việc làm được điều chỉnh trong tháng 7, và cung thấp hơn so với dự báo tăng 200,000 việc làm từ Dow Jones.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng GDP hàng năm đã được điều chỉnh giảm vào hôm thứ Tư, từ 2.4% trước đó xuống còn 2.1%.

Đây là phiên thứ 2 liên tiếp nhà đầu tư dường như xem dữ liệu kinh tế yếu kém hơn so với dự báo là một tin tốt đối với chứng khoán Mỹ.

Hôm thứ Ba, các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đã nhảy vọt sau khi công bố số liệu niềm tin người tiêu dùng gây thất vọng và số cơ hội việc làm tại Mỹ trong tháng 7 giảm mạnh hơn so với dự báo. Điều này làm dấy lên hy vọng trong nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm hạ nhiệt lập trường chính sách của cơ quan này.

Dầu tiếp tục tăng khi nguồn cung tại Mỹ giảm

Khép phiên, dầu Brent cộng 37 xu lên 85.86 USD/thùng. Trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ thêm 47 xu lên 81.63 USD/thùng.

Hôm thứ Ba, cả 2 loại dầu chuẩn đều tăng hơn 1 USD/thùng do đồng đô la Mỹ suy yếu sau khi dữ liệu việc làm sụt giảm làm giảm khả năng nâng lãi suất thêm nữa.

Vào thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 10.6 triệu thùng trong tuần trước xuống còn 422.9 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 3.3 triệu thùng từ một cuộc thăm dò của Reuters.

Sản phẩm cung cấp xăng động cơ thành phẩm - một chỉ báo đại diện nhu cầu - đạt mức 9.1 triệu thùng/ngày.

Các nhà đầu tư đang chú ý đến cơn bão Idalia, cơn bão đã đổ bộ với cường độ cấp 3 vào sáng ngày thứ Tư tại khu vực Florida. Đến giữa trưa, bão tiếp cận vùng đông nam Georgia với cường độ cấp 1.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích dự báo Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện đến tháng 10, khiến nguồn cung dầu càng khan hiếm.

Dựa trên dự báo đó, Reuters dự đoán giá bán tất cả các loại dầu thô sang châu Á của Ả-rập Xê-út trong tháng 10/2023 sẽ tăng lên mức cao nhất trong năm nay.

Trong khi đó, quân đội đã nắm quyền kiểm soát ở Gabon vào thứ Tư, điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô của đất nước này và làm thị trường khan hiếm hơn nữa. Gabon đã xuất khẩu bình quân hàng tháng 160,000 thùng/ngày sang châu Á từ tháng 5 đến tháng 7/2023.

Tuy nhiên, đà tăng giá dầu bị kìm hãm do lo ngại về tình hình kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cho biết các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc sẵn sàng tăng xuất khẩu dầu diesel trong tháng 9 lên hơn 1 triệu tấn, nhờ lợi nhuận từ việc bán ra nước ngoài và do họ dự kiến sẽ nhận được thêm hạn ngạch xuất khẩu từ chính quyền Bắc Kinh.

Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates cho hay: “Giải thích của thị trường là nếu Trung Quốc xuất khẩu nhiều sản phẩm này thì mọi việc sẽ không suôn sẻ với nền kinh tế Trung Quốc.”

Các tin khác