S&P 500 tăng 8 phiên liền; Dầu sụt gần 3%

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng phiên thứ 8 liên tiếp vào thứ Tư (08/11) đánh dấu chuỗi tăng dài nhất trong 2 năm. Trong khi đó, giá dầu trượt mạnh gần 3% xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng trước nỗi lo về nhu cầu ngày càng suy yếu tại Mỹ và Trung Quốc.
S&P 500 tăng 8 phiên liền; Dầu sụt gần 3%

S&P 500 đánh dấu chuỗi chiến thắng dài nhất sau 2 năm

Kết phiên, chỉ số S&P 500tiến 0.1% lên 4,382.78 điểm và ghi nhận đà tăng tích cực 8 phiên liền, khớp với chuỗi bứt phá 8 phiên liên tiếp đạt được vào tháng 11/2021.

Nasdaq Composite nhích 0.08% và khép phiên tại 13,650.41 điểm trong phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp và cũng là đợt tăng dài nhất trong 2 năm của chỉ số này.

Trong khi đó, chỉ Dow Jones Industrial Average mất 40.33 điểm, tương đương 0.12%, còn 34,112.27 điểm và phải khép lại chuỗi tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 7.

Anthony Saglimbene, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Ameriprise, cho hay: “Thị trường đang bắt đầu chuẩn bị cho việc Fed đứng ngoài cuộc và chúng ta có thể hạ cánh nhẹ nhàng. Cổ phiếu thực sự đã bị bán quá mức trong vài tháng qua và cuối cùng cũng chứng kiến đà phục hồi phần nào.”

Ông cũng cho biết thêm, mặc dù các báo cáo kinh tế và lạm phát sắp tới có thể sẽ ảnh hưởng đến đà tăng của cổ phiếu kể từ thời điểm này, nhưng các số liệu tiếp tục báo hiệu rằng nền kinh tế đang chậm lại nhưng không rơi xuống đáy.

Với đà tăng trong ngày thứ Tư, S&P 500 đã khởi sắc 4.5% trong tháng 11, trong khi Nasdaq nhảy vọt 6.2% và Dow Jones tăng 3.2%.

Đà tăng của thị trường diễn ra trong bối cảnh mùa công bố báo cáo tài chính sắp kết thúc. Khoảng 88% doanh nghiệp S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh và hơn 88% trong số đó đạt lợi nhuận vượt ước tính.

Phố Wall đang chờ đợi nhận định từ Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed), ông Jerome Powell. Greg Bassuk, CEO AXS Investments chia sẻ “Điều này cùng với bức tranh lợi nhuận và chỉ số chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tuần tới, sẽ là các chất xúc tác quan trọng tiếp theo cho thị trường chứng khoán.”

Dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng do lo ngại về nhu cầu gia tăng

Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô tương lai Brent lùi 2.07 USD/thùng, tương đương 2.54% xuống 79.54 USD/thùng. Trong khi, dầu thô tương lai WTI của Hoa Kỳ sụt 2.04 USD/thùng, tương đương 2.64% còn 75.33 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7.

“Rõ ràng là thị trường ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông và thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân,” hai nhà phân tích của ING là Warren Patterson và Ewa Manthey cho biết trong một thông báo gửi đến khách hàng, đề cập đến các điều kiện về nguồn cung dầu thô.

Một thông tin khác cũng gây áp lực lên thị trường là dự trữ dầu thô của Mỹ tăng gần 12 triệu thùng trong tuần trước, các nguồn tin thị trường cho biết cuối hôm thứ Ba, trích dẫn số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Đó sẽ là đà tăng lớn nhất kể từ tháng 2, so với dữ liệu của Chính phủ. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã lùi thời hạn công bố số liệu dự trữ dầu hàng tuần, thường là thứ Tư, cho đến ngày 15/11 để hoàn thành việc nâng cấp hệ thống như kế hoạch.

Trong khi đó, hồi thứ Ba, EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ tăng nhẹ hơn so với kỳ vọng trước đó nhưng tiêu thụ xăng sẽ giảm 300,000 thùng/ngày, trái với dự báo tăng 100,000 thùng/ngày.

Số liệu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này giảm nhanh hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng.

Tại Eurozone, doanh số bán lẻ sụt giảm cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu kém và nguy cơ xảy ra suy thoái.

Các tin khác