S&P 500 trượt dốc ngày đầu tháng; Dầu giảm khi nhà đầu tư chốt lãi sau đợt phục hồi

(ĐTTCO) - S&P 500 giảm nhẹ vào đầu tháng 8, khi các nhà đầu tư tiếp nhận một loạt các báo cáo kết quả kinh doanh của công ty và đánh giá loạt dữ liệu kinh tế mới. 
S&P 500 trượt dốc ngày đầu tháng; Dầu giảm khi nhà đầu tư chốt lãi sau đợt phục hồi

Dow tiếp tục nối dài đà tăng

Khép phiên, chỉ số S&P 500 mất 0,27%, kết thúc ở mức 4.576,73, trong khi Nasdaq Composite sụt 0,43% xuống 14.283,91. Chỉ số Dow Jones tiến 71,15 điểm, tương đương 0,2%, lên 35.630,68. Trước đó, vào đầu phiên, chỉ số Dow đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

Cổ phiếu của gã khổng lồ dược phẩm Merck đã rớt 1,3% ngay cả sau khi báo cáo khoản lỗ thấp hơn dự kiến và doanh thu vượt kỳ vọng, nhờ doanh số bán Keytruda mạnh mẽ. Caterpillar công bố kết quả kinh doanh khả quan, giúp cổ phiếu tăng vọt 8,9%.

Cổ phiếu Pfizer đã giảm 1,2% sau khi công bố kết quả lợi nhuận trái chiều do doanh số bán sản phẩm Covid giảm mạnh, trong khi cổ phiếu Uber lùi khoảng 5,7% do kết quả kinh doanh trái chiều. Ngoài ra, cổ phiếu JetBlue bốc hơi 8,3% sau khi hạ dự báo tương lai do du lịch nội địa chậm lại.

Tim Lesko, giám đốc điều hành của Mariner Wealth Advisors, cho rằng phần lớn các động thái của ngày thứ Ba là do tình trạng quá mua, do sức mạnh từ đầu năm đến nay của thị trường và mùa báo cáo doanh thu hàng quý ổn định cho đến nay.

Tuần này đánh dấu khoảng thời gian bận rộn nhất của mùa báo cáo quý 2 với hơn 160 công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ công bố kết quả. Theo FactSet, hơn một nửa số công ty trong S&P 500 đã báo cáo, với 82% vượt kỳ vọng về thu nhập. Điều này đã thúc đẩy một số hy vọng rằng nền kinh tế sẽ có thể tránh được suy thoái khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bất chấp những kết quả đạt được cho đến nay, các nhà phân tích đang chuẩn bị cho mức giảm lợi nhuận 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý thứ 3 liên tiếp theo Fact set.

Phố Wall cũng đánh giá một loạt các chỉ số kinh tế quan trọng để có cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng của nền kinh tế, bao gồm dữ liệu việc làm thấp hơn một chút so với kỳ vọng và dữ liệu sản xuất cho thấy sự sụt giảm liên tục.

Đồng đô la mạnh hơn

Kết phiên, dầu thô Brent giảm 21 cent, tương đương 0,25%, xuống 85,22 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ đạt mức 81,69 USD/thùng, sụt 11 cent, tương đương 0,13%.

Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết: “Dầu thô đang trong giai đoạn điều chỉnh sáng nay, được thúc đẩy bởi chỉ số đô la Mỹ tăng cao và tình trạng thị trường ‘quá mua’.”

Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, nhích 0,42%. Đồng đô la mạnh hơn khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhà phân tích Tamas Varga của PVM lưu ý rằng trong nhiều tháng nay, người ta đã đưa ra các dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm, song song với việc cắt giảm nguồn cung để giảm tồn kho dầu toàn cầu.

Ông cho biết những lo lắng về suy thoái kinh tế đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn vào đầu năm nay.

“Sau đó, những động thái của các ngân hàng trung ương gần đây khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn rằng “hạ cánh mềm” là có thể đạt được và suy thoái kinh tế có thể tránh được ở các nền kinh tế lớn.

Số liệu mới nhất từ Mỹ - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới - cho thấy nhu cầu nhiên liệu tăng cao nhất kể từ tháng 8/2019. Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cũng dự báo các kho dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ dự kiến sẽ giảm vào tuần trước.

Để vực dậy khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm chạp sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp hạn chế do COVID, các bộ, cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Ba đã cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, dữ liệu được công bố hồi thứ Hai cho thấy hoạt động sản xuất trong khu vực đồng euro đã giảm vào tháng 7 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.

Về phía nguồn cung, cuộc họp OPEC+ vào thứ Sáu tuần này dự kiến sẽ chứng kiến Ả Rập Saudi tiếp tục cắt giảm tự nguyện cho đến tháng 9, nguồn cung tiếp tục khan hiếm.

Các tin khác