Dow Jones lập đỉnh mới
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 228.03 điểm, tương đương 0.55%, lên 41,563.08 điểm. Chỉ số này đã chạm mức cao mọi thời đại mới trong những phút cuối phiên và đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Chỉ số S&P 500 nhích 1.01% lên 5,648.40 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite thêm 1.13% lên 17,713.62 điểm.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tháng 7 tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phù hợp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, chỉ số này cũng tăng 0.2% so với tháng trước.
Fed theo dõi chặt chẽ chỉ số này và nó vẫn có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của các nhà hoạch định chính tại vào tháng 9.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, S&P 500 cộng 2,3% trong tháng này, Dow Jones cũng tăng gần 1.8%. Còn Nasdaq Composite nhích 0.7%. S&P 500 đã ghi nhận 4 tháng leo dốc liên tiếp. Sự gia tăng của các lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và y tế đã giúp thúc đẩy S&P 500 trong tháng 8.
Các chỉ số chính đã trải qua một đợt bán tháo mạnh vào đầu tháng, với S&P 500 sụt tới 7.3% trước khi phục hồi. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt bốc hơi tới 5.4% và 10.7% ở mức thấp nhất trong tháng này.
Dầu giảm trước khả năng nguồn cung tăng vào tháng 10
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent mất 1.14 USD, tương đương 1.43%, xuống 78.80 USD/thùng. Hợp đồng này đã giảm 0.3% trong tuần và rớt 2.4% trong tháng 8.
Hợp đồng dầu WTI rớt 2.36 USD, tương đương 3.11%, còn 73.55 USD/thùng, giảm 1.7% trong tuần và sụt 3.6% trong tháng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, dự kiến sẽ tiến hành tăng sản lượng dầu theo kế hoạch từ tháng 10/2024, trong bối cảnh tình trạng gián đoạn ở Libya và cam kết cắt giảm của một số thành viên để bù đắp cho tình trạng sản xuất quá mức đã chống lại tác động của nhu cầu suy yếu, Reuters đưa tin.
Trong khi đó, nhà đầu tư phản ứng với dữ liệu mới cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng ổn định vào tháng 7, cho thấy nền kinh tế vẫn vững mạnh vào đầu quý 3 và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hạ lãi suất 0.5% của Fed vào tháng tới. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Ở một diễn biến khác, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Libya cho biết việc đóng cửa các mỏ dầu gần đây đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm khoảng 63%, do xung đột giữa các phe phái đối địch ở phía Đông và phía Tây vẫn đang tiếp diễn.
Theo Rapidan Energy Group, sản lượng dầu của Libya có thể giảm từ 900,000 đến 1 triệu thùng/ngày và kéo dài trong nhiều tuần.
Ngoài ra, Reuters đưa tin vào hôm 29/08 rằng nguồn cung của Iraq cũng dự kiến sẽ giảm sau khi sản lượng của nước này vượt hạn ngạch của OPEC+. Iraq có kế hoạch giảm sản lượng dầu xuống còn từ 3.85 triệu đến 3.9 triệu thùng/ngày vào tháng tới.
Tại Mỹ, số giàn khoan dầu đang hoạt động không đổi ở mức 483 giàn trong tuần này, nhưng đã tăng 1 giàn trong tháng 8, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.