Có thể sẽ chẳng bao giờ có một giám đốc điều hành nào như Steve Jobs nữa. Ông đã làm thay đổi mối quan hệ của thế giới với lĩnh vực công nghệ. Cái chết của ông mang đến sự tiếc thương cho giới công nghệ cao. Họ tiếc thương một nhà phát minh thiên tài, một CEO có thể biến cát thành vàng. Còn các nhà triết học tiếc thương một con người có nhiều tư tưởng “cách mạng”...
Steve Jobs là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu của hơn 230 bằng sáng chế được trao giải hoặc các ứng dụng được cấp bằng sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ, từ máy tính cho tới thiết bị di động, giao diện người dùng, loa, bàn phím, bộ chuyển năng lượng, cầu thang, móc cài, ống bọc ngoài, dây buộc và bao bì đóng gói sản phẩm.
Trong kinh doanh, ông chỉ mất 14 năm để đưa một công ty bên bờ vực phá sản trở thành công ty niêm yết lớn nhất thế giới (Apple Inc. trở thành công ty lớn nhất thế giới vào tháng 9-2011). Tuy nhiên, điều khiến người ta vừa khâm phục, vừa ngạc nhiên nhất về Steve Jobs là khả năng “móc túi nhà giàu” một cách hoàn hảo của ông. Sẽ không khó để thấy rằng các sản phẩm của Apple luôn được bán với giá “cắt cổ” so với các sản phẩm tương đương của các đối thủ.
Điều đáng ngạc nhiên là luôn có hàng triệu người sẵn sàng “đưa cổ cho Apple cắt”, thậm chí xếp hàng thâu đêm suốt sáng để được trở thành những người “bị cắt cổ đầu tiên” mỗi khi Steve Jobs tung ra các sản phẩm mới như iPod, iPhone và iPad?
![]() |
Steve Jobs khi trình làng iPhone 4 hồi năm 2010. |
Giới truyền thông đã nói nhiều về những bí quyết thành công của Steve Jobs, như luôn đam mê, có tầm nhìn xa, khát khao sự hoàn hảo và tinh tế... Có thể tất cả những nhận định đó đều đúng, nhưng có thể tất cả đều chưa đủ để nói hết về một con người được cho là huyền thoại ngay từ khi còn sống.
Đó là cách “làm giá” của Steve Jobs cho các sản phẩm của Apple. Trong kinh doanh, khái niệm phổ biến là sản phẩm càng rẻ càng cạnh tranh. Thí dụ nhiều nước hiện nay cứ lăm le hạ giá đồng tiền nước mình để sản phẩm của họ rẻ hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngoài việc cố gắng tạo ra một sản phẩm “đỉnh” về chất lượng, công nghệ và dáng vẻ, Steve Jobs cũng luôn đưa ra cái giá “đỉnh” cho các sản phẩm của mình.
Dĩ nhiên, ông không muốn kéo giá quá cao cho sản phẩm, nhưng muốn các sản phẩm đó phải có một giá “đỉnh” tương xứng. Triết lý kinh doanh của ông: Người nào muốn sở hữu một sản phẩm “đỉnh” sẽ chấp nhận mua nó bằng giá “đỉnh”. Ông đã đúng và Apple là công ty lớn nhất thế giới cũng nhờ điều này. Giới phân tích giải thích mức giá đỉnh của các sản phẩm Apple đã khiến người mua càng tin tưởng chúng chính là những sản phẩm “đỉnh”.
Giả sử Steve Jobs bán iPhone và iPad với giá tương đương các sản phẩm cùng loại của đối thủ, chắc chắn những dòng sản phẩm của ông sẽ không thể nổi bật như hiện nay. Quan trọng hơn, các sản phẩm của Apple luôn nhắm đến đối tượng nhà giàu, hoặc chí ít cũng là tầng lớp trung lưu. Với đối tượng khách hàng này, điều quan trọng nhất khi mua một sản phẩm chính là thể hiện “đẳng cấp”. “Tiền nào của đó” là quan niệm chung của giới tiêu dùng.
Cùng với sự ra đi của Steve Jobs, người ta đang đặt dấu hỏi lớn cho tương lai của Apple. Ai sẽ là người có được bộ óc thiên tài như Jobs để tạo ra những sản phẩm làm điên đảo cả thế giới. Khi Apple trình làng iPhone 4S hồi tuần trước, giới phân tích cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy Apple bắt đầu “đuối” khi mất đi tượng đài Steve Jobs. Chiếc smartphone thế hệ thứ 5 của Apple chỉ là sự cóp nhặt những công nghệ cũ.
Thiết kế bên ngoài không hề thay đổi so với iPhone 4, chip A5 là một điểm mới nhưng nó đã được tích hợp trong iPad 2 cả nửa năm trước. Công nghệ voice control có tên Siri thực sự hấp dẫn nhưng đó là một sản phẩm mà Apple mua về hoàn toàn bằng tiền chứ không phải “cây nhà lá vườn”. Camera “8 chấm” là thứ mà hàng loạt smartphone Android trình làng trước đó đã sở hữu.