Sự lựa chọn của chính sách

Hàng loạt NHTM công bố giảm lãi suất cho vay với dư nợ mới lẫn cũ nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra khá ì ạch. Trong khi đó giá xăng dầu có xu thế tăng trở lại đang đe dọa chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Thời điểm này Chính phủ lựa chọn chính sách điều hành như thế nào để kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng. ĐTTC xin giới thiệu ý kiến của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, xoay quanh vấn đề này.

Hàng loạt NHTM công bố giảm lãi suất cho vay với dư nợ mới lẫn cũ nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra khá ì ạch. Trong khi đó giá xăng dầu có xu thế tăng trở lại đang đe dọa chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Thời điểm này Chính phủ lựa chọn chính sách điều hành như thế nào để kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng. ĐTTC xin giới thiệu ý kiến của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, xoay quanh vấn đề này.

 Bài toán suy kiệt sức cầu

Ứng xử ra sao trong nền kinh tế đang khó khăn hiện nay không chỉ là vấn đề đặt ra cho NH và doanh nghiệp mà là bài toán lớn về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Hiện nay, hàng tồn kho gấp đôi so với dư nợ của ngành NH. Cứ 100 đồng hàng tồn kho có 27 đồng luân chuyển, còn 73 đồng bất động và biểu hiện của sự bất động đó là CPI âm 2 tháng liên tục.

Kiểm đếm tiền tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Kiểm đếm tiền tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Đến thời điểm này, chưa dám nói rằng bắt đầu của quá trình giảm phát, nhưng nếu tháng 8, 9 năm nay CPI tiếp tục âm, coi như quá trình giảm phát đang diễn ra và hết sức nguy hại vì sức mua không vực dậy được.

Hiện nay dù lãi suất cho vay có giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân cũng không mặn mà đi vay. Đơn cử, lãi suất cho vay của Eximbank hiện nay bình quân chỉ 15,5%/năm, với những doanh nghiệp ưu tiên lãi suất chỉ còn 12-13%/năm.

 NH cho một doanh nghiệp vay 10 tỷ đồng trong vòng 1 năm với điều kiện doanh nghiệp phải trả cho NH đúng 10 tỷ đồng và không phải doanh nghiệp nào cũng dám vay.

Bởi NH cho vay không phải để doanh nghiệp lấy tiền đi gửi tiết kiệm mà phải kinh doanh sản xuất để có doanh thu trả nợ. Hàng tồn kho không bán được tất nhiên doanh nghiệp không thể vay tiếp.

Vấn đề bây giờ không phải của TPHCM, Hà Nội hay hệ thống NH mà là vấn đề vĩ mô. Nghị quyết 11 chống lạm phát với “2 liều vaccine” giảm tổng cầu, giảm cung tiền.

Việt Nam vừa áp dụng giảm tổng cầu, vừa áp dụng giảm cung tiền nhưng vì giảm tổng cầu quá mạnh do lạm phát trong năm 2012 giảm rất nhanh, nên chống lạm phát quá đà sẽ rơi vào giảm phát.

Kinh nghiệm 20 năm trước khi thị trường Nhật Bản rơi vào lạm phát rất cao, chính phủ nước này đã dùng biện pháp chống lạm phát và đến bây giờ quá đà, đã khiến nền kinh tế suy giảm tổng cầu CPI bằng 0. Trong một nền kinh tế hội nhập như Việt Nam, lạm phát có 2 nhân tố bên trong và bên ngoài.

Yếu tố bên ngoài là sự suy thoái của toàn cầu đang báo hiệu cho một sức cầu thế giới bị giảm. Yếu tố bên trong bây giờ là suy kiệt sức cầu của nền kinh tế, tức không có điều kiện để tăng lạm phát.

Giải pháp nào?

Một khi lạm phát khó tăng trở lại, không chỉ lãi suất giảm xuống 13-15%/năm như hiện nay mà có thể cuối năm nay lãi suất bình quân chỉ còn 11-12%/năm. Nhưng lãi suất thấp cũng giống như người bị bệnh uống nước hồ với nước cháo.

Trước đây cơm cứng quá nhai không được, giờ cháo cũng không ăn được vì cơ thể đã suy kiệt, nên câu hỏi đầu tiên là vay vốn để làm gì và muốn tăng trưởng tín dụng phải phá “tảng băng” của tồn kho, phải tạo một sự kích cầu cho nền kinh tế. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu kích cầu, lạm phát có thể nhanh chóng quay trở lại.

Nhưng đó là một sự lựa chọn của chính sách. Nếu có 2 căn bệnh trong một nền kinh tế: lạm phát và suy thoái, người ta thường chấp nhận lạm phát chứ không chấp nhận suy thoái. Bởi lạm phát là sự tăng lên của mức giá tiêu dùng chung, có người hưởng lợi và người bị thua thiệt, nhưng nền kinh tế gần như trung hòa không bị tê liệt. Còn nền kinh tế bị tê liệt coi như suy thoái.

Có thể thấy thế giới có nước này nước kia lạm phát tăng cao nhưng đại suy thoái của Hoa Kỳ giai đoạn 1929-1933 kéo theo rất nhiều nước khác suy thoái. Vì vậy, Chính phủ có thể cân nhắc đưa ra lựa chọn hoặc để lạm phát thấp và suy thoái nền kinh tế, hoặc phải khôn ngoan để nền kinh tế không bị suy thoái nhưng vẫn kiềm chế lạm phát.

Câu hỏi đặt ra với các NHTM là làm thế nào tìm kiếm khách hàng để tăng tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Khi xem xét để quyết định cho vay doanh nghiệp, Eximbank nhìn vào sự luân chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, các khoản công nợ có bình thường hay không chứ không quá xem trọng vấn đề tài sản bảo đảm.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng NH không cho thế chấp tài sản bằng hàng tồn kho, nhưng thực tế khi không bán hàng được, hàng tồn kho bất động, làm sao NH dám cho thế chấp. Bởi tiền chẳng qua là phương tiện truyền tải cho vật tư hàng hóa của nền kinh tế.

Nếu luân chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tốt, NH sẵn sàng cho vay thế bằng hàng tồn kho chứ không cần thế chấp tài sản, bởi hàng tồn kho giảm xuống thì tiền mặt tăng lên làm giảm dư nợ NH, khi đó NH lại có điều kiện cho vay tiếp.

Nguyên tắc giá giảm cầu tăng và lãi suất giảm nhu cầu vay vốn tăng, nhưng NH không được chủ quan với cầu tăng đó, nhân cơ hội lãi suất thấp, doanh nghiệp có thể vay đảo nợ hoặc dùng tiền sai mục đích.

Bên cạnh đó, NH cũng chịu áp lực lợi nhuận nhưng không thể đánh liều cho vay, không bao giờ được thôi thúc nhu cầu gì đó để nới lỏng điều kiện tín dụng. Lợi nhuận có thể giảm xuống nhưng đảm bảo cho NH.

Các tin khác