Các nước Bỉ, Hy Lạp, Hà Lan, Anh, Canada, Nam Phi, Trung Đông… đều đã có bóng dáng các đoàn biểu tình theo mô típ này. Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình “Áo vàng” đã lan sang Canada, Anh và Tây Ban Nha.
Những người biểu tình đã tổ chức các cuộc mít tinh tại 8 thành phố ở Canada để phản đối các chính sách an sinh của chính phủ. Cùng ngày tại Tây Ban Nha, những người biểu tình lấy cảm hứng từ các cuộc tuần hành đang diễn ra ở Pháp, đã diễu hành ở Madrid kêu gọi lương hưu tốt hơn.
Ở Nam Phi, một số người biểu tình mặc áo vàng trong các cuộc biểu tình chống lại chất lượng dịch vụ công thấp do Liên đoàn Công đoàn (SAFTU) tổ chức để ủng hộ phong trào ở Pháp. Phẫn nộ vì chi phí sinh hoạt và giá cả tăng cao đối với các dịch vụ cơ bản, công dân Israel, Jordan và cả Ai Cập, những người được truyền cảm hứng từ phong trào “Áo vàng” của Pháp cuối tuần qua cũng đã xuống đường.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” vẫn được cho là tự phát, thiếu tổ chức và người lãnh đạo. Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến yêu cầu họ đưa ra ngày càng cao, theo đó rõ rệt nhất là giảm thuế, giảm chi phí sinh hoạt và gia tăng chi tiêu xã hội.
Điều này cho thấy, bất kỳ chính sách kinh tế nào nếu không chú ý đến mặt an sinh xã hội cũng đều dễ dẫn đến bất ổn. Đó là lý do vì sao trong nhiều năm qua, người dân các nước trong Liên minh châu Âu, nhất là với các nước kinh tế khó khăn ngày càng thiên về đường lối dân túy và dân tộc mà Brexit là một ví dụ.
Theo thống kê của báo Washington Post, gần 90% những người ủng hộ các đảng cực hữu ở Pháp có cảm tình với “Áo vàng” so với chỉ 23% những người ủng hộ đảng Cộng hòa Tiến bước theo đường lối trung tả của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Phong trào áo vàng dường như là một phản ứng dữ dội của người nông dân, người nghèo chống lại giới tinh hoa đô thị giàu có.
Mâu thuẫn giữa dân thành thị được giáo dục tương đối tốt hơn và dân cư nông thôn ít giáo dục hơn dường như đã trở thành ranh giới mới trong nền chính trị phương Tây. Những người nông dân cảm thấy bị bỏ mặc và cảm thấy căm phẫn giới thượng lưu đô thị.
Tại Pháp, vấn đề thuế đặc biệt nặng nề vì nó làm tăng thêm tổng số thuế mà tầng lớp trung lưu và lao động của Pháp đã phải chịu đựng, thuế tăng trong khi an sinh xã hội giảm do phải nuôi lượng người nhập cư đông đảo.
Trong các loại thuế, thuế nhiên liệu tăng là một phần của kế hoạch chống biến đổi khí hậu nhưng điều đó trở nên nhạy cảm với đa số dân lao động. Viện Brookings (Mỹ) đã chỉ ra rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hơn 72 % việc làm của Mỹ đến với 53 khu vực đô thị hàng đầu của nước này.
Báo Wall Street Journal đưa tin cuộc sống của thành thị và nông thôn Mỹ đã trở nên đối đầu. Hơn nữa, tại nhiều nước, trong những năm vừa qua, xu hướng giảm thuế cho người giàu và cắt giảm lợi ích của tầng lớp lao động đang thắng thế. Đó cũng là nguyên nhân khiến sự phẫn nộ của dân chúng đôi khi vượt quá tầm kiểm soát của chính phủ.