Theo TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, hiện nay doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước trong và ngoài khối Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Có thể nói, DNNN vẫn đang chiếm một phần quan trọng trong GDP, vốn và lực lượng lao động ở các quốc gia này.
Ở Việt Nam, khu vực DNNN đã đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, hiện nay khu vực DNNN đã đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), mặc dù khung khổ pháp lý về quản trị công ty của DNNN đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua. Nhưng theo truyền thống, khuôn khổ quản lý vẫn tập trung nhiều hơn vào khuôn khổ quản lý vốn nhà nước và chỉ cho đến gần đây, các quy định này mới chú trọng đến việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước.
Khung khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế và chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN.
Do đó, với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới đang là cơ hội cho việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư, tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 4 nhóm chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bao gồm: (i) chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (ii) chính sách về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và (iv) chính sách về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, mục tiêu xây dựng chính sách là tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn nhà nước như hiện nay.