Cần phù hợp với thực tế
Thực tế cho thấy, dù quy định “cứng” hay “mềm” trong xử phạt vi phạm nồng độ cồn và trừ điểm giấy phép lái xe đang là hai trong nhiều nội dung quy định gây nhiều tranh luận, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thời gian gần đây.
Song hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mọi sự điều chỉnh trong nội dung nghị định mới thay thế Nghị định 100 phải đảm bảo được đồng thời cả hai mục đích: vừa cao ý thức tham gia giao thông nhờ chế tài đủ sức răn đe, nhưng cũng cần phải có tính nhân văn, phù hợp văn hóa và quan trọng là đảm bảo tính thực thi.
Thực tế, thời gian qua, các nội dung sửa đổi Nghị định 100 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ ngành liên quan.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành trong việc thúc đẩy thay đổi hành vi “đã uống rượu bia thì không lái xe”, tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao ý thức và thay đổi đáng kể hành vi theo quy định không có nồng độ cồn trong hơi thở hay máu khi tham gia giao của người lái xe. Điều này cũng được thể hiện rõ nét về tỷ lệ tai nạn giao liên quan đến nồng độ cồn có trong máu và khí thở của tài xế giảm. Đây là một chuyển biến tích cực và là một tín hiệu đáng mừng về hiệu quả mà Nghị định 100 mang lại.
Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng độ cồn, trên thực tế có một số trường hợp người dân lo lắng, băn khoăn và khá căng thẳng như cồn nội sinh, uống từ buổi trưa đến chiều hoặc từ tối hôm trước vẫn còn nồng độ cồn trong khí thở, các đồ ăn khi chế biến có sử dụng đồ uống có cồn, các sản phẩm truyền thống lên men như rượu nếp...
Một số liệu khác đáng chú ý là thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính riêng 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán năm 2024 (từ ngày 8-2 đến 14-2), cơ quan chức năng đã xử lý trên 70.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn gần 30.000 trường hợp. Cơ quan chức năng tạm giữ gần 36.000 phương tiện, gồm gần 1.500 ôtô và hơn 34.000 xe máy, đã dồn thêm áp lực cho các bãi giữ xe. Vấn đề quá tải các bãi giữ xe vi phạm vốn xảy ra ở nhiều địa phương cả nước từ trước.
Riêng Hà Nội, trong năm 2023, các đơn vị đã tạm giữ gần 43.000 xe vi phạm giao thông. Bãi giữ xe tang vật, xe vi phạm giao thông quá tải một phần do đương sự không chịu đến để được giải quyết, lấy lại phương tiện. Nhiều trường hợp bỏ luôn xe vì số tiền phạt, phí giữ cao hơn giá trị xe. Vì vậy, xe ở nhiều bãi bị xuống cấp, hư hỏng, bị bỏ bê chẳng khác gì bãi phế liệu. Đã có nhiều ý kiến đề xuất nên tiêu hủy phương tiện mà người vi phạm từ chối nhận lại.
Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, kích cầu tiêu dùng nội địa đang được xem là giải pháp hữu hiệu để kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Trong đó, vai trò trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành đồ uống có cồn, các dịch vụ liên quan tới ăn uống, du lịch rất quan trọng. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công an nên cân nhắc để có những sửa đổi phù hợp với thực tế, tương xứng với mức độ hành vi vi phạm khi sửa đổi Nghị định 100.
Những hàm ý chính sách
Theo một số chuyên gia, kinh nghiệm xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của các nước trên thế giới cũng mang nhiều hàm ý đối với Việt Nam. Theo đó, các quốc gia trên thế giới đều có quy định nghiêm khắc về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh một số quốc gia quy định tuyệt đối không cho phép bất kỳ mức độ cồn nào trong máu hay khí thở của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Ở một số quốc gia, mức nồng độ cồn trong máu (BAC) cho phép cũng có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng: thấp hơn đối với tài xế thương mại và thanh thiếu niên - những nhóm bị xử phạt nặng hơn nếu vi phạm.
Trong khi một số quốc gia khác lại áp dụng đa dạng hóa hình thức xử phạt (lao động công ích, học và thi lại…), áp dụng giải pháp bắt buộc dùng thiết bị thử nồng độ cồn trước khi khởi hành (với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng), sử dụng công cụ kinh tế (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới). Bên cạnh các hình thức xử phạt, các quốc gia còn kết hợp cả các chiến dịch truyền thông nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng hiệu quả tập trung thông tin cho người dân.
Trao đổi với ĐTTC về vấn đề trên, TS Vũ Thế Long, Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, thành viên Hội UNESCO Hà Nội, hoàn toàn đồng ý với quy định về việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện tham giao thông. Song, ở đây không có nghĩa là “cấm uống rượu, bia”, mà là điều chỉnh hành vi “văn hóa uống” như thế nào cho hợp lý.
“Tôi từng có dịp dự một số hội nghị quốc tế. Ở buổi chiêu đãi sau phiên bế mạc, rượu vang và bia được dọn lên cùng với đồ ăn. Nhấm nháp chút đồ uống có cồn, các nhà khoa học đều hào hứng chuyện trò, trao đổi, chia sẻ chuyên môn… chứ không ai say cả. Gốc rễ của câu chuyện, cuối cùng vẫn nằm ở vấn đề nâng cao văn hóa của mỗi người, cũng như quản lý xã hội một cách nghiêm minh. Đó là những tiền đề cần thiết để mọi người cùng uống một cách sao cho có văn hóa”, TS Vũ Thế Long nhận xét.