Những bất cập thúc đẩy hành vi trốn thuế
Thuế TNCN là 1 trong 2 sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm, với 110.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu cân đối NS năm 2021, chỉ xếp sau 2 sắc thuế trụ cột của nền kinh tế là Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Người làm công ăn lương, chiếm 50% lực lượng lao động, là đối tượng đóng góp tới 70% nguồn thu. Nhưng chính sách thuế với họ lại chậm điều chỉnh sau hơn 10 năm áp dụng Luật Thuế TNCN thì quả là bất cập.
Trên thực tế, thu nhập hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc, mức lương cộng với những khoản thu nhập tăng thêm đều đã vượt ngưỡng quy định miễn giảm. Thế nhưng, trong một số năm gần đây, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam luôn có xu hướng gia tăng và năm sau thường cao hơn năm trước.
Hơn nữa, hàng năm Nhà nước và DN đều nâng mức chi trả thu nhập cho những đối tượng đang làm việc. Do đó, mức thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng không còn quá lớn đối với phần lớn người đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị hay DN.
Hiện nay, nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt của người dân ngày càng lớn hơn thời điểm Luật Thuế TNCN được ban hành. Bởi lẽ, cuộc sống của con người hiện đại làm gia tăng nhiều nguồn chi tiêu, mặt khác giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng ngày càng tăng lên.
Điển hình trong đó, những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như ăn uống, nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục… đều tăng giá rất nhiều so với một số năm trước đó. Hơn nữa, đây lại là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu đối với mỗi cá nhân.
Để bù đắp lại thâm hụt chi tiêu, mỗi người đều phải cố gắng làm việc hơn nên thu nhập cũng nhiều hơn trước đây. Mặc dù vậy, mức giảm trừ gia cảnh của luật thuế lại không tăng theo sự tăng trưởng của kinh tế và lạm phát. Điều này dễ dàng nhận thấy khi tỷ lệ người phải chịu thuế thu nhập vượt ngưỡng 11 triệu đồng/tháng hoặc 132 triệu đồng/ năm ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, chính vì không có sự điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thu nhập thực tế hiện nay của người dân, đã góp phần thúc đẩy hành vi trốn thuế TNCN.
Nhìn từ các nước
Tìm hiểu kinh nghiệm quy định về điều kiện giảm trừ gia cảnh của một số quốc gia, cho thấy hiện nay nhiều nước khi xây dựng mức giảm trừ chung đã có sự phân biệt về đặc điểm của người nộp thuế.
Thí dụ người cao tuổi, người tàn tật được giảm trừ ở mức cao hơn so với người bình thường (Anh, Malaysia, Singapore…). Hay là người có gia đình cũng được giảm trừ cao hơn so với người độc thân (Mỹ, Philippines).
Một số quốc gia không quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế, song trong biểu thuế quy định mức thuế suất 0% cho thu nhập chịu thuế dưới một ngưỡng nhất định. Bên cạnh đó, có quốc gia vừa quy định mức thuế suất 0% vừa quy định mức giảm trừ cho người nộp thuế (Thái Lan, Malaysia), và coi đây như là biện pháp để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.
Có quốc gia quy định ngưỡng thu nhập khi xác định mức giảm trừ, như đối tượng nộp thuế được hưởng, thu nhập càng cao mức giảm trừ cá nhân càng giảm (Mỹ, Anh).
Liên quan đến mức giảm trừ đối với đối tượng phụ thuộc, có nước quy định mức giảm trừ cá nhân cho người nộp thuế cũng tương tự như người phụ thuộc (Anh, Mỹ). Nhiều nước khống chế số lượng người phụ thuộc được tính giảm trừ (Thái Lan, Indonesia, Malaysia...), song cũng có nước không khống chế (Mỹ, Anh).
Cũng có nước không quy định riêng mức giảm trừ cho người phụ thuộc và cho cá nhân người nộp thuế mà quy định một mức chung (Trung Quốc). Qua đó có thể thấy các quốc gia quy định mức giảm trừ gia cảnh và đối tượng phụ thuộc phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội, nên góp phần làm việc thu nộp cũng như quản lý thuế khoa học, giảm sự thất thoát về thuế TNCN.
Như vậy cho thấy mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc theo quy định của Luật Thuế TNCN năm 2009 ở Việt Nam đã không còn phù hợp với thực tế thu nhập và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Cả 2 mức này đã quá lạc hậu, khi được xây dựng từ 6 năm trước, trong khi lạm phát đã gia tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt quá 20%, giá cả, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn.
Có ý kiến cho rằng, nếu Luật Thuế TNCN không được sửa đổi, nhân tài sẽ không còn động lực, giảm tính cạnh tranh quốc gia. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cần được cân nhắc đánh giá dựa trên sự tổng hợp của các yếu tố như mức tăng CPI hàng năm, mức độ lạm phát thực tế của nền kinh tế, sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hoạt động của khu vực kinh tế ngầm.
Mức giảm trừ gia cảnh cần có sự điều chỉnh hàng năm sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các đối tượng không hoạt động trong các cơ quan, đơn vị, DN, việc tính thuế TNCN vốn luôn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp nhưng cũng cần xây dựng các giải pháp để quản lý và thu thuế đối với các đối tượng này. Có như vậy mới đảm bảo công bằng trong việc tính thuế TNCN giữa các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế, làm tăng thêm nguồn thu cho NSNN.