Việt Nam đang phải đối mặt với những sức ép lớn về thiếu hụt năng lượng thời gian tới nếu không có cách sử dụng hợp lý hơn. Đó là nhận định của đại diện nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo khoa học "Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” diễn ra cuối tuần qua.
Những bất cập
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thị trường điện Việt Nam phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến sau 2023 để có thị trường bán lẻ cạnh tranh là quá dài. Các cấp độ thực hiện không có sự đan xen, xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Ngay cấp độ 1 bắt đầu từ năm 2005 nhưng tới năm 2011 mới vận hành thí điểm.
Như vậy phải trên 20 năm thực hiện, đến sau năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước về hoạt động thị trường điện còn hạn chế trong xây dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng mua bán điện trên. Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia.
Nếu không nhanh chóng phát triển thị trường năng lượng, Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ tụt hậu do không đảm bảo được an ninh năng lượng, bởi đây đang là cuộc chơi khốc liệt của các quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, nếu chúng ta không xây dựng được một thị trường năng lượng đúng nghĩa sẽ đứng trước nguy cơ lệ thuộc, bị thao túng... như một số quốc gia đã gặp phải. TS.Võ Trí Thành, |
Trong khi đó, với thị trường xăng dầu, cơ chế bù giá duy trì quá lâu làm mất đi tính chủ động của doanh nghiệp, giảm động lực tiết giảm chi phí, doanh nghiệp không có tích lũy cho đầu tư phát triển, mất cơ hội đầu tư, giảm sức cạnh tranh; người tiêu dùng không có ý thức tiết kiệm. Về thị trường than, mục tiêu phát triển là chuyển nhanh hoạt động theo cơ chế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước.
Song việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm, thiếu đồng bộ. Sản lượng than tiêu thụ trong nước tăng lên đáng kể, nguồn cung cấp chủ yếu là trong nước, nhập khẩu chiếm tỷ lệ ít. Tuy nhiên, quan hệ này đang ngày càng mất dần khi nguồn than trong nước giảm. Việc quản lý nhà nước về thị trường than trong nước và nhập khẩu chưa rõ ràng, đặc biệt cơ chế quản lý giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước và giá xuất nhập khẩu.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), hoạt động của thị trường điện lực có hiệu quả hay không, an ninh cung cấp điện trung - dài hạn phụ thuộc rất lớn vào chính sách chung của toàn ngành năng lượng.
Việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) sẽ giúp các khâu phát điện tận dụng đuợc tối đa nguồn lực trong nuớc để phát triển, hạn chế phải sử dụng các nguồn nhiên liệu nhập khẩu với giá thành cao. Một trong những giải pháp quan trọng trong định hướng chính sách năng lượng thời gian tới là cần thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp ngành năng lượng một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh cổ phần hóa trong ngành năng lượng, hạn chế và tiến tới xóa độc quyền.
Nguy cơ nhập than
Theo ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong 30 năm đổi mới, ngành năng lượng đã có những đóng góp to lớn, đặc biệt là thu ngân sách quốc gia (chiếm trên 30% tổng thu ngân sách hàng năm), an ninh năng lượng được củng cố và tăng cường. Tuy vậy, năng lượng Việt Nam vẫn còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư…
Nguyên nhân chính do chậm đổi mới, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế quản lý thị trường điện còn nhiều bất cập; cơ chế bù giá xăng dầu duy trì quá lâu làm giảm động lực tiết giảm chi phí, DN không có tích lũy cho đầu tư phát triển; giá than cũng như lộ trình hình thành, phát triển thị trường than còn chưa đồng bộ và chưa hoàn chỉnh.
Đáng lo ngại trong cân đối năng lượng là mặt hàng than. Theo ông Nguyễn Chí Quang, Phó trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Chiến lược Phát triển (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin), dự báo tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam 8,1-8,7% giai đoạn 2001-2020. Nhu cầu điện ngày càng lớn, khả năng cân đối tài chính để khai thác và chế biến 55-58 triệu tấn than sau năm 2015 là rất khó khăn.
Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, việc nhập khẩu than sẽ xuất hiện sớm hơn vào khoảng năm 2015-2018. Trong giai đoạn 2025-2030, khả năng khai thác và chế biến than của Vinacomin cũng chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu than cho sản xuất điện khoảng 12.000MW, tức không quá 72 tỷ kWh mỗi năm.
![]() |
Công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra hệ thống truyền tải |
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), doanh nghiệp đang triển khai 5 dự án nhiệt điện than, gồm: Thái Bình 2, Vũng Áng 1, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, dự kiến đưa vào vận hành từ nay đến năm 2020. Tổng cộng, chỉ riêng các nhà máy này đã sử dụng 15-17,5 triệu tấn than/năm, trong đó nhập khẩu 9-10,5 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu than các dự án nhiệt điện than đang triển khai, ngoài việc ký kết các hợp đồng mua than trong nước, PVN đẩy mạnh nhập khẩu than như ký các hợp đồng thương mại mua than dài hạn với đối tác nước ngoài; đầu tư mỏ than ở nước ngoài và lấy quyền mua than dài hạn. Đến nay, PVN đã ký được một số hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác Australia, Indonesia với tổng khối lượng than cam kết dài hạn lên đến 10 triệu tấn/ năm.
Hiện tại, dầu mỏ, than và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đảm bảo an ninh năng lượng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt trong 50 năm tới. Với các nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời, địa nhiệt…) vẫn ở mức dự án tiền khả thi. Do vậy, sức ép về thiếu hụt than dự báo tiếp tục gia tăng đối với an ninh năng lượng.
Trong khi đó, nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển và xây dựng mới các mỏ than hầm lò, khai thác than đồng bằng sông Hồng để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong giai đoạn 2010-2030 được đánh giá khoảng 50-80 tỷ USD. Đây cũng là thách thức lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam.