Sức hút doanh nghiệp tư nhân trên sàn chứng khoán

(ĐTTCO) - Trên thị trường chứng khoán, những mã cổ phiếu thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư phần lớn đến từ các doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang tạo nên những kỳ tích “vô tiền khoáng hậu”.

Cánh chim đầu đàn

Tại thời điểm đầu tháng 5, trên HoSE có 40 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD và phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp tư nhân. Nổi bật nhất là VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup.

Những phiên giao dịch gần đây, VIC đang tạo nên cơn sốt trên sàn CK khi liên tục tăng nóng. Phiên giao dịch ngày 8-5, mã CP này tăng lên mức 78.500 đồng/CP, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ở mức giá này, VIC ghi nhận mức tăng 85% trong vòng 2 tháng. Vốn hóa thị trường của VIC tăng từ 145.000 tỷ đồng, thời điểm đầu năm 2025, lên vượt mốc 300.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, VIC tiếp tục vững vàng ở vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn CK.

Ngoài mã VIC, hệ sinh thái của Vingroup còn có nhiều doanh nghiệp tỷ USD khác như Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), hay VEFAC (VEF). Đặc biệt, ở phiên giao dịch ngày mai 13-5, Vingroup sẽ có thêm thành viên gia nhập danh sách này, đó là Vinpearl (VPL).

Theo đó, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL sẽ chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/CP, tương ứng mức vốn hóa thị trường đạt gần 130.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl, sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương ứng 85,5% vốn điều lệ. Tạm tính theo mức định giá tại thời điểm chào sàn, giá trị thị trường của số cổ phần này lên đến gần 110.000 tỷ đồng.

Năm 2025, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập dự kiến 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024. Trong quý đầu năm, Vingroup đã thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận.

Ngân hàng tư nhân lớn nhất

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mã VPB (VPBank) là cái tên được nhiều NĐT nhắc đến khi nói về các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực tài chính. Tại thời điểm đầu tháng 5, vốn hóa của VPB trên TTCK đạt 131.300 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD), xếp thứ 11 trong danh sách các doanh nghiệp tỷ USD trên sàn HoSE.

Theo dữ liệu từ WiChart, lợi nhuận trước thuế quý I của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 82.000 tỷ đồng (tăng trưởng 14%). Trong đó, lợi nhuận hợp nhất của VPBank đạt 5.015 tỷ đồng (tăng 20%) với sự đóng góp từ cả ngân hàng mẹ và các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái.

Cùng lợi nhuận bứt phá, tổng tài sản của VPBank vọt lên hơn 994.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6%, so với trung bình ngành chỉ gần 2,8%. Kết quả trên đưa VPBank vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô tổng tài sản lớn nhất thị trường.

Đáng chú ý, VPBank vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới. Đây là khoản vay hợp vốn nước ngoài có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngân hàng này và đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển tài chính bền vững.

Khoản vay hợp vốn được nhóm các tổ chức tài chính quốc tế thu xếp, bảo lãnh phát hành, dựng sổ và đồng cho vay, bao gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản), Standard Chartered Bank, MUFG (Nhật Bản), ANZ (Australia), Cathay, Commerzbank AG, CTBC Bank, Mashreq Bank, và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (State Bank of India).

Theo đại diện VPBank, việc các tổ chức tài chính quốc tế cùng tham gia vào khoản vay lần này phản ánh sự quan tâm đối với các sáng kiến tài chính xanh tại Việt Nam. Đồng thời, thương vụ cũng mở ra cơ hội mở rộng quy mô huy động vốn quốc tế, tối ưu hóa cơ cấu tài chính và tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính bền vững của ngân hàng.

Theo kế hoạch, nguồn vốn này sẽ được VPBank sử dụng để tài trợ các dự án xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là một phần trong định hướng phát triển theo các tiêu chí ESG của VPBank.

Vươn tầm thương hiệu quốc gia

Là một trong những doanh nghiệp niêm yết từ khá sớm trên TTCK, mã VNM (Vinamilk) được NĐT xếp vào nhóm cổ phiếu cơ bản nhờ tăng trưởng ổn định và duy trì được mức chi trả cổ tức cao.

Không chỉ là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk hiện đang nằm trong Top 36 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu. Năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 61.824 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 11.600 tỷ đồng.

Trong đó, ngành hàng sữa nước, sữa đặc, sữa chua và sữa chua uống tiếp tục dẫn đầu thị trường, tiếp tục đứng đầu danh sách thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành sữa và các sản phẩm từ sữa 12 năm liền. Ngoài ra, với 3 thị trường xuất khẩu mới, trong đó có châu Âu, Vinamilk đã lập kỷ lục mới về doanh thu xuất khẩu lên 5.664 tỷ đồng (tăng 12,4%).

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 mới đây, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu Vinamilk có tín hiệu tích cực khi đã bước đầu đưa sản phẩm sữa đặc tiếp cận được thị trường châu Âu.

Kết quả hoạt động xuất khẩu quý I tiếp tục đà tăng trưởng của 6 quý trước đó, dự kiến tăng 2 con số. Hoạt động xuất khẩu những năm gần đây được Vinamilk đầu tư xúc tiến mạnh mẽ, không chỉ đóng góp tích cực cho doanh thu mà còn xây dựng, quảng bá thương hiệu Quốc gia ra thế giới.

Lũy kế từ khi bắt đầu xuất khẩu năm 1997 đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 63 thị trường quốc tế, tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế đã vượt 3,4 tỷ USD.

Vinamilk cũng là doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong mô hình kinh tế xanh. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu 2 nhà máy và 1 trang trại đạt chứng nhận về trung hòa carbon, khẳng định vai trò tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net Zero 2050 và “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050”.

Đáng chú ý, trang trại Nghệ An và nhà máy sữa Nghệ An tự hào là những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt được và tiếp tục duy trì chứng nhận “Trung hòa Carbon” do các tổ chức Bureau Veritas (BV) của Pháp và The British Standards Institution (BSI) của Anh chứng nhận.

Mới đây, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 đã mở ra chương mới cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết. Bởi Nghị quyết 68 không chỉ giúp "cởi trói" mà còn tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá, vươn tầm với thế giới.

Các tin khác