Gánh nặng chi phí khi “3 tại chỗ”
Là một trong những ngành được xem “hàng hóa thiết yếu”, nhóm các DN ngành lương thực thực phẩm (LTTP) đã nỗ lực hết sức để sản xuất “3 tại chỗ”. Thế nhưng theo đánh giá của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội LTTP TPHCM, các DN trong hội đều cho rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn, và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các DN vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần, do DN phải gồng gánh quá nhiều các khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện các quy định chống dịch tại nhà máy.
Cụ thể như chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn-ngủ-làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc… Điều này làm tổng chi phí của DN tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%.
Không chỉ chi phí tăng cao từ việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, theo bà Chi thời điểm này các DN ngành LTTP đã phải cầm cự kinh doanh do không có lợi nhuận khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của ngành, từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh từ 15-30%, trong khi đó sức mua thị trường yếu, DN phải giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng.
Cũng chia sẻ về câu chuyện thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong ngành mình, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, hiện có khoảng 60% DN trong hội thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, thậm chí có những DN đã thực hiện phương án này từ cuối tháng 6 để duy trì mục tiêu kép, cũng như với mục tiêu lớn là giữ được vị thế cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam, vì nếu không sang năm các đơn hàng có thể chuyển qua nước khác. Song ông Phương cũng đánh giá khi thực hiện phương án này có những khó khăn cho DN mà một trong số đó là chi phí tăng. Chỉ riêng việc thực hiện test Covid-19 cho toàn nhà máy cũng là con số không nhỏ. 7 ngày một lần, trung bình một người là 350.000 đồng.
Hiện nay khi thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hay “một cung đường hai điểm đến”, các DN chỉ có thể duy trì tối đa khoảng 50% công nhân ở lại. Năng suất giảm nhưng chi phí cố định tăng cao, nhiều DN khó chống đỡ. “Chúng tôi muốn có hướng dẫn cụ thể hơn trong trường hợp DN có F0. Thực tế dù các DN đã kiểm soát gắt gao nhưng sẽ không tránh được có thể có F0. Theo quan sát của tôi có trường hợp phát hiện F0 trong DN nhưng xử lý khá lúng túng” - ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean chia sẻ.
Nỗi lo thiếu công nhân khi dịch được kiểm soát
Ngay từ thời điểm trước khi dịch bùng phát ở TPHCM, các DN trong những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… đã gặp phải hoàn cảnh đơn hàng nhiều mà thiếu công nhân. Nay khi tình hình dịch phức tạp nỗi lo ấy càng nhiều hơn lên. Chỉ tính riêng trong ngành may của thành phố hiện chỉ có khoảng dưới 30% DN có thể thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Thêm vào đó, khi thực hiện phương án này chỉ tối đa 50% công nhân có thể tham gia vì nhiều lý do. Không chỉ công nhân ngành may mà rất nhiều ngành khác đang trong hoàn cảnh tương tự. Đó là chưa kể một phần không nhỏ người lao động thời gian qua đã chọn phương án về quê chống dịch. Và người lao động khi đã về quê thường có một tỷ lệ lớn không quay lại. Điều này sẽ khiến nhiều DN đứng trước thách thức thiếu công nhân trầm trọng khi dịch được kiểm soát, DN trở lại hoạt động bình thường.
Trong cuộc họp mới đây với các DN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết hiện TPHCM đang thực hiện một số chính sách xã hội để hỗ trợ cho người lao động ở các DN nhằm đảm quyền và lợi ích của người lao động, đồng thời đảm bảo nguồn cung lao động khi dịch được kiểm soát. Ông Hoan cho biết cần sự tham gia của các lãnh đạo DN.
Một là trong việc hỗ trợ người lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời hạn nhất định, cần có danh sách từ các DN theo đúng chính sách để được hưởng. Thứ hai là đối với lao động không ký hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp, thì thành phố cũng mong DN có danh sách để chính quyền địa phương triển khai chính sách hỗ trợ.
Chờ trợ lực từ ngân hàng và ngành thuế
Ông Phạm Văn Việt rất mong phía ngân hàng (NH) có thể khoanh lại khoản đầu tư tài sản cố định cho đến hết thời gian dịch. Nếu được thì cho kéo dài thời hạn trả trong 1 năm để gối đầu cho nguyên phụ liệu và lo cho đời sống công nhân phục hồi sản xuất. Ông cũng cho biết năm ngoái NH cũng hỗ trợ cơ cấu, giãn nợ nhưng sau khi giãn nợ phía NH đã đưa ra quy chế áp đặt rất chặt chẽ, nếu chậm lãi một ngày sẽ chuyển nhóm nợ, cái này cần được tháo gỡ vì dịch đang khiến các DN cực kỳ khó khăn.
Thực tế không chỉ Việt Thắng Jean, mà hầu hết các DN đều mong các NH có những hỗ trợ kịp thời trong thời điểm này vì dòng tiền đang mắc kẹt. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Chủ tịch HĐTV Công ty tài chính nhà nước, cho biết trong buổi gặp gần đây các DN đã nêu lên nhiều mong mỏi trong đó có 2 nội dung được đồng thuận cao.
Thứ nhất, DN kiến nghị thành phố có chỉ đạo và làm việc với hệ thống NH để tiến hành việc khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ và xem lại chính sách lãi suất, vì trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng có DN phải tới hạn trả nợ gốc, trả lãi… Vì thế cần có chính sách để hỗ trợ DN và khi chúng ta kết thúc giai đoạn giãn cách thì thời gian được tính trở lại.
Thứ hai, xin kiến nghị cơ quan thuế cân nhắc, vì theo quy định của thuế tới thời hạn như hiện nay phải thực hiện nộp thuế thu nhập DN của quý II hoặc các khoản nộp nghĩa vụ khác. Nếu được có thể giãn đến kết thúc thời gian giãn cách để giảm bớt áp lực dòng tiền cho DN. Đặc biệt nếu DN lỡ trễ trong giai đoạn dịch kiến nghị nhà nước không phạt để tạo thêm sức hỗ trợ cho dòng tiền đang khó khăn hiện nay của các DN.
Trong từng hiệp hội ngành hàng cũng có các kiến nghị liên quan. Phía Hội LTTP đề xuất thành phố kiến nghị NHNN chi nhánh TPHCM cần bổ sung các DN ngành nghề đặc thù như LTTP vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay… để DN bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.