PHÓNG VIÊN: - Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Chính phủ đã thực hiện chính sách bảo hộ công dân Việt Nam tại các nước bị ảnh hưởng, thậm chí tổ chức đón công dân về nước. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chính sách này?
Ông NGUYỄN PHÚ BÌNH: - Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành ngoại giao Việt Nam đảm nhận vai trò trọng trách bảo hộ công dân Việt Nam ở quy mô lớn. Lớn cả về phạm vi lẫn số lượng, không phải ở 1 mà nhiều quốc gia trong cùng một lúc, không phải quy mô vài chục hay vài trăm người mà lên đến hàng chục ngàn người.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước đóng cửa biên giới, đóng cửa các hãng bay, để đưa được các công dân về nước, cơ quan ngoại giao đã chủ động đàm phán với nước sở tại để kết nối đường hàng không, và chúng ta làm rất tốt điều này.
Khi dịch mới xuất hiện, chúng ta từng cho rằng nhiều nước có tình hình kinh tế và an ninh xã hội tốt, công dân Việt Nam ở những quốc gia đó có thể thuận lợi hơn ở trong nước.
Điều này xuất phát từ việc so sánh tương quan về mức thu nhập của người dân trong nước còn rất thấp, hạ tầng cơ sở y tế còn nghèo nàn, dân số lại đông, nên kịch bản xấu nhất chúng ta dự báo khi đó nếu dịch bệnh xảy ra tràn lan trong nước không thể kham nổi. Nhưng sau đó không lâu, tình hình diễn biến ngược lại, chuyển sang kịch bản khác.
Đó là chúng ta kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, trong khi nhiều quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong rất cao, công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập tại các nước này đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro.
Lúc này, Chính phủ chủ trương là không chỉ chăm lo bảo vệ an toàn cho công dân trong nước, còn quan tâm bảo vệ công dân Việt Nam đang ở nước ngoài trước dịch Covid-19.
Thêm vào đó, những công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhu cầu hồi hương, nên Chính phủ sẵn sàng đón nhận họ về nước trên cơ sở khả năng chống chịu được của tiềm lực trong nước về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, ngân sách. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
- Phải chăng đây là “sức mạnh mềm” của Việt Nam trên trường quốc tế như ông khẳng định?
- Trong những năm gần đây, sự phát triển năng động của kinh tế, sự ổn định chính trị cùng với quan hệ quốc tế mở rộng, đã giúp vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
Đặc biệt dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã phòng chống rất thành công nhờ các biện pháp đúng. Mới đầu nhiều nước cũng thắc mắc và hoài nghi, song chúng ta với cách làm kiên quyết và chọn được những biện pháp phù hợp với khả năng của mình đã thành công, không để dịch bùng phát.
Đây là điều đáng tự hào. Việt Nam so với nhiều nước chỉ là nước thu nhập trung bình thấp, nếu để tình hình dịch bùng nổ và lây lan chắc chắn chúng ta sẽ không thể phản ứng kịp và sẽ rơi vào tình trạng vỡ trận như nhiều nước hiện nay. Thí dụ, xét ở khía cạnh thiết bị y tế, nhiều nước rất giàu, họ có dư sức để trang bị, song họ lại thiếu khâu chuẩn bị, khi dịch xảy ra lại lúng túng, bị động đối phó.
Trong khi đó, Việt Nam khâu chuẩn bị này đã làm rất tốt. Chúng ta có sự phòng xa ngay từ khi thời điểm dịch mới bắt đầu, dù chỉ vài trường hợp nhiễm Covid-19, song chúng ta đã dự trù kịch bản dịch sẽ lây lan và số người bị lây nhiễm có thể tăng lên hàng ngàn, từ đó đưa ra những giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Ở phương diện kinh tế, phòng chống dịch Covid-19 tốt chính là nền tảng để chúng ta đưa cuộc sống trở lại bình thường, phục hồi dần nền sản xuất. Kinh tế Việt Nam gần như là duy nhất trong khu vực duy trì mức tăng trưởng dương, dù ở mức thấp, song vẫn hơn nhiều nước tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nâng cao cảnh giác đối với dịch tái phát. Đây là tiền đề để chúng ta thu hút được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ xem Việt Nam là điểm đến an toàn, là đối tác đáng tin cậy.
Ở phương diện ngoại giao, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, khẩu trang, vật tư y tế… trong phòng chống dịch Covid-19 cho quốc tế. Đặc biệt, hiện nay với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang chứng minh là quốc gia có trách nhiệm với khu vực và quốc tế trong chia sẻ và giải quyết các vấn đề quốc tế chung, trong đó có cả phòng chống dịch Covid-19. Đây có thể xem là “sức mạnh mềm” của Việt Nam.
- Mới đây Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) thông báo sẽ không cho phép các du học sinh ở lại Mỹ nếu trường của các du học sinh này chuyển sang học trực tuyến (online). Việt Nam đang có hàng chục ngàn du học sinh học tập tại Mỹ có thể phải về nước. Điều này sẽ gây áp lực về cơ sở hạ tầng, chi phí… khi tiếp nhận làn sóng du học sinh trở về, thưa ông?
- Về nguyên tắc đây là quyết định của Chính phủ Mỹ, do đó chúng ta phải chấp nhận thực hiện, không thể can thiệp. Tuy nhiên, ở phương diện ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng như Bộ Ngoại giao sẽ làm mọi cách để bảo hộ công dân của mình.
Đối với những trường hợp du học sinh buộc phải về nước (nếu xảy ra), sẽ gây áp lực đối với chúng ta, song không nhiều. Chúng ta đang chủ động liên hệ và làm việc với phía Mỹ để từ đó đưa ra lộ trình giải quyết phù hợp, làm sao để việc đón du học sinh về nước diễn ra trong trật tự và an toàn.
Về cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, hiện nay trong nước có khoảng 10.000 chỗ cho người từ nước ngoài về có thể cách ly ngay, đảm bảo kiểm soát nguồn dịch ngay từ đầu.
Dẫu vậy, tôi cho rằng Mỹ sẽ không làm điều này. Bởi khả năng buộc tất cả du học sinh nước ngoài, trong đó có du học sinh Việt Nam, về nước là rất khó. Thứ nhất, Mỹ vẫn đang tranh cãi và lấy ý kiến có nên mở cửa lại trường học vào mùa thu năm nay hay không, hiện vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Thứ hai, các trường đại học ở Mỹ vẫn có những chính sách để bảo vệ sinh viên của mình.
- Xin cảm ơn ông.