(ĐTTCO) - Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2016, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 297,7 nghìn tỉ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước.
Nếu so với tháng 1/2015 thì sức mua tăng 11,7% (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 11%).
Tháng 1 là tháng giáp Tết Nguyên đán Bính Thân nên nhu cầu mua sắm hàng hoá và tiêu dùng của dân cư tăng lên. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động khai thác nguồn hàng, đẩy mạnh thu mua, tạm trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng dịp Tết.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, đồng thời thực hiện các chính sách bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết.
Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 đạt 226,6 nghìn tỉ đồng (chiếm 76,1% tổng mức), tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sức mua hàng may mặc tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ; lương thực, thực phẩm tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng ước tính đạt 35,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 11,8% tổng mức), tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng doanh thu hoạt động du lịch lữ hành tháng 1 ước đạt 2,2 nghìn tỉ đồng, giảm 13,5% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của hai thành phố lớn nhất cả nước đều giảm: Hà Nội giảm 2,2% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM giảm 21,4% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không thay đổi so với tháng trước (tháng cuối năm 2015). Đây là điều ít khi xảy ra, vì nhìn lại trong 10 năm gần đây, ngoại trừ năm 2015 là năm có tốc độ lạm phát rất thấp thì CPI tháng 1 giảm 0,2%, còn lại tất cả các tháng 1 đều có mức tăng giá khá cao.