Sức mua yếu, doanh nghiệp lo

(ĐTTCO)-Sức mua chung trên thị trường đã có dấu hiệu cải thiện nhưng nhìn toàn cục vẫn còn rất yếu, đặc biệt tại các chợ, mãi lực đang giảm trầm trọng. Tình trạng tiểu thương trả sạp hoặc ngưng nghỉ kinh doanh để né thuế và phí diễn ra rất phổ biến.
Mua sắm tại chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2020. Ảnh: CAO THĂNG
Mua sắm tại chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2020. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm tiêu dùng

Những ngày qua, PV đã làm việc với khá nhiều doanh nghiệp (DN), một số chợ loại 1 để nắm bắt tình hình, ghi nhận về sức mua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM trong 2 tháng cuối năm. Bên cạnh những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong thời kỳ hậu Covid-19, thì các DN đang phải đối mặt với nỗi lo giảm sâu thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan lo lắng: “Tình hình kinh doanh tại công ty đang gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh cả ở ngành hàng tươi sống lẫn chế biến, nhất là trong những tháng gần đây”.

Dường như người tiêu dùng ngày càng cắt giảm mạnh các nhu cầu, kể cả mua sắm các loại thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm tươi sống các loại để gia tăng tiết kiệm ngân sách gia đình.

Theo ông Dũng, ở nhóm thịt heo tươi sống, có thể do hệ lụy từ dịch Covid-19, cộng giá thịt heo tăng cao do chúng ta chưa chủ động nguồn cung, mỗi đêm Công ty Vissan chỉ giết mổ khoảng 600 con heo (bằng 50% sản lượng so với cùng kỳ) nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Tương tự, với nhóm thực phẩm chế biến, sức mua chỉ thực sự tăng lúc cao điểm chống dịch và từ tháng 6 đến nay thì lại giảm dần đều.

Nhiều DN khác cũng có chung nhận định, mãi lực thị trường vẫn còn rất yếu. Quan sát về nhu cầu, hành vi mua sắm của khách hàng tại một số hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại hàng đầu tại TPHCM cho thấy, nhu cầu đi tham quan, xả stress khá phổ biến. Theo đó, giá trị các đơn hàng cũng giảm rất mạnh.

Chị T.M.Hồng, nhân viên thu ngân một siêu thị tại quận 2 cho biết, giá trị bình quân một đơn hàng vào cùng thời điểm này năm ngoái là 1-1,5 triệu đồng thì nay đã giảm đi một nửa. Nhóm các mặt hàng được chọn chủ yếu là thực phẩm thiết yếu và hóa mỹ phẩm. Mặt khác, sức mua chỉ tập trung vào các nhãn hàng “chạy” khuyến mãi.

Thực tế này đã khiến nhiều DN, nhà bán lẻ liên tục phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và doanh thu trong năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn. Các DN cho biết, chỉ cần doanh thu đạt ngang bằng, thậm chí giảm khoảng 10% so với năm 2019 đã là thành công.

Tại các chợ truyền thống, sức mua giảm trầm trọng. Chị Ngọc, chủ gian hàng mỹ phẩm chợ Bến Thành cho biết, không giống mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm sức mua phụ thuộc vào khách du lịch, hàng mỹ phẩm chủ yếu là bán cho khách quen, khách địa phương nhưng cũng chưa có cách để kéo khách đến chợ. Nhưng có khi 4 ngày liên tục không ai đến mua.

“Dù không bán được hàng tôi vẫn phải mở cửa chờ, bằng không sẽ mất hết khách quen”, chị Ngọc nói. Hiện tại, có gần một nửa số sạp tại chợ Bến Thành vẫn trong tình trạng đóng cửa, không ít tiểu thương phải trả sạp vì không chịu nổi chi phí thuê mặt bằng. Tại các chợ như Trần Hữu Trang, Nguyễn Văn Trỗi… các sạp hàng đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay vẫn khá phổ biến.

Tạo sức bật từ chương trình kích cầu

Số liệu từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang có chiều hướng tích cực, trong tháng 10-2020 đạt 115.367 tỷ đồng nhưng vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu thương mại dịch vụ ước đạt 1.058.140 tỷ đồng, giảm 2,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,6%); trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 680.602 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 64,32% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Sức mua chưa thực sự khởi sắc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Theo tính toán, sản xuất công nghiệp hàng tháng tăng trưởng khá đáng kể từ tháng 5 đến nay: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 7,9%, tháng 6 tăng 13,7%, tháng 7 tăng 8,6%, tháng 8 tăng 4,0%, tháng 9 tăng 9,6% và tháng 10 ước tăng 5,8% so với tháng trước.

Tuy nhiên, lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, chỉ số IIP giảm 4,7% (cùng kỳ tăng 7,3%), trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước giảm 0,14% (cùng kỳ tăng 5,7%).

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cũng tổ chức các chương trình giới thiệu, triển lãm và kết nối trực tiếp để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối như Big C, Aeon Mall, MM Mega Market, đồng thời tăng cơ hội xuất khẩu vào chuỗi phân phối của các siêu thị trên. Để gỡ khó về vốn, ITPC thực hiện kết nối các DN có nhu cầu vay vốn với các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, hỗ trợ DN bán hàng Việt thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon…

Ngày 18-11 tới, ITPC sẽ tổ chức diễn đàn xuất khẩu thường niên để cung cấp các thông tin cần thiết cho DN trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh và định hướng thị trường 2021.

Ở góc độ các DN, sẽ thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi vừa để kích cầu, vừa góp phần chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Ông Phan Văn Dũng chia sẻ, chưa năm nào Công ty Vissan thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như năm nay. Tại thời điểm này, Vissan đã bắt tay với các nhà phân phối, đối tác cùng lúc triển khai nhiều chương trình: cẩm nang mua sắm, giảm giá đến 15%; tặng voucher giảm giá đến 36% trên nền tảng ví Momo; thẻ cào may mắn áp dụng trên toàn hệ thống, cửa hàng của Vissan trên toàn quốc với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng...

Sức bật của nền kinh tế hậu dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng đứng dậy của các DN. Do vậy, bên cạnh kích cầu, các ban ngành thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù như nghiên cứu giảm thuế cho các hộ tiểu thương, tổ chức nhiều hơn các chương trình kết nối hàng hóa, huy động thêm các nguồn vốn lãi suất thấp để tiếp thêm động lực cho DN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Để kích cầu tiêu dùng, các sở ngành chức năng của TPHCM đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN. Theo đó, Sở Công thương đã có tờ trình kiến nghị UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch tổ chức Chương trình khuyến mãi tập trung - Tháng khuyến mãi năm 2020, chủ đề “Khuyến mãi mùa vàng” tạo đà cho sức mua cuối năm; tổ chức hội chợ xúc tiến tiêu dùng, chủ đề “Sự kiện kết nối các hình thức khuyến mãi” cuối năm 2020 với quy mô 400 gian hàng của các DN có uy tín trong nhiều lĩnh vực.

Mặt khác, sở làm việc với các hiệp hội, hội ngành nghề, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn, các DN bình ổn thị trường có kế hoạch dự trữ nguyên liệu và hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, phát triển điểm bán, tổ chức bán hàng lưu động kết hợp chương trình khuyến mãi nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021.

Các tin khác