Tác động của Covid-19 vượt quá sức chịu đựng, ngành hàng không tiếp tục xin vay vốn ưu đãi

(ĐTTCO) - Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cho hay dịch bệnh kéo dài so với dự đoán, khiến thời gian dừng hoạt động của các hãng hàng không kéo dài. Tác động của dịch Covid-19 trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp hàng không. 
Tác động của dịch Covid-19 trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp hàng không. Ảnh: DT
Tác động của dịch Covid-19 trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp hàng không. Ảnh: DT
Tại hội nghị trực tuyến của NHNN triển khai hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chiều 28-9, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cho hay tác động của dịch Covid-19 trở nên vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp hàng không. Dịch bệnh kéo dài so với dự đoán, khiến thời gian dừng hoạt động của các hãng hàng không kéo dài. 

Ngành hàng không bị tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, số lượng chuyến bay và hành khách giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%.

Hiện nay, các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều đã bị dừng. Ông Nề cho biết đường bay quốc tế chắc chắn phải hàng năm nữa mới có thể được khôi phục trở lại, và có thể phải mất nhiều năm mới đạt lại mức trước dịch.

Theo ông Bùi Doãn Nề, từ khi dịch bệnh bùng phát, NHNN đã có những hỗ trợ rất tích cực cho ngành Hàng không. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tháo gỡ khó khăn về vốn, từ đó giúp cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này.

"Việc hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp hàng không cũng đã giúp khắc phục một phần những khó khăn về thanh khoản. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn ngân hàng sẽ có thêm nhiều hỗ trợ khác cho Hàng không, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp", ông Nề kiến nghị.

Theo đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề xuất 2 gói vay. Thứ nhất là áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm, như đã áp dụng với Vietnam Airlines.

Thứ hai là cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất - Ngân sách sẽ cấp bù lãi suất 4%, thời hạn vay là 3 - 4 năm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, trong đó có các hãng hàng không. Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí,...

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD hiện nay khoảng hơn 24.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 5%, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.

Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietnam Airlines, 4 NH gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, đã giải ngân theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ.

NHNN cũng đã ban hành Quyết định tái cấp vốn và giải ngân tái cấp vốn cho TCTD sau khi 4 đơn vị này cho VNA vay 4.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN vẫn đang bám sát tình hình, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời có điều chỉnh về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.

NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay, để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cũng theo Phó Thống đốc, ngành hàng không khác với các ngành nghề sản xuất khác, khi kiểm soát dịch thành công, hoạt động hàng không nới lỏng hơn thì dòng tiền của các hãng hàng không sẽ bù đắp lại rất nhanh. Do vậy, ngành ngân hàng sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn.

NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các TCTD, trên cơ sở các TCTD phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Đối với các giải pháp vượt thẩm quyền của NHNN, như gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của NHNN đối với cho vay các hãng hàng không, NHNN ủng hộ về chủ trương và đề nghị các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản, báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Tại Vietnam Airlines, trong 2 tháng đầu năm 2021 là thời kỳ cao điểm vận chuyển dịp Tết, khách quốc tế giảm hoàn toàn chỉ có khách nội địa nhưng con số vận chuyển giảm 16,1% so với 2019 và giảm 24,5% so với năm 2020. 

Tại Bamboo Airways, từ năm 2020 đến nay, ước tính thiệt hại doanh thu gần 16.000 tỷ đồng. Cụ thể năm 2020 thiệt hại 9000 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2021 hãng thiệt hại khoảng 6.500 tỷ đồng.

Pacific Airlinnes trong năm 2020, sản lượng khai thác chỉ 38,8%, doanh thu chỉ đạt 30% so với năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2021, hãng cũng khai thác bằng 30,4% so với 2019, doanh thu bằng 13%.

Tại Tổng Công ty Quản lý bay, doanh thu năm 2020 chỉ bằng 40,96% so với 2019...

Các tin khác