Tắc hẹp động mạch chi và những biến chứng

(ĐTTCO) - Tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu. Trong một số trường hợp, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Trong trường hợp xấu hơn người bệnh có thể sẽ tử vong.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiểu về tắc hẹp động mạch chi

Bệnh tắc hẹp động mạch chi (hay còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi gây thiếu máu cục bộ. Bệnh tắc hẹp động mạch chi phần lớn xuất hiện ở nam giới. Ngoài ra, người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý tắc hẹp động mạch chi.

Bệnh lý này có triệu chứng như thế nào là điều nhận được nhiều sự quan tâm. Ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng. Nếu có, thường là những cơn đau nhẹ ở bắp chân, còn gọi là “đi lặc cách hồi”, sẽ biến mất sau khi nghỉ ngơi. Cũng vì vậy mà những cơn đau này thường bị nhầm lẫn là do viêm khớp, bệnh lý cơ hay biểu hiện của tuổi già và dễ bị bỏ qua.

Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn. Vì thế với những người nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ lại xuất hiện những triệu chứng như nói trên nên đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn, tại các chuyên khoa như lồng ngực, mạch máu, nội tiết, tim mạch…

Thông thường các bác sĩ sẽ có những tầm soát bước đầu với những người bệnh có nguy cơ như đo huyết áp cổ chân, cánh tay xem có bất thường hay không. Nếu chỉ số thấp thì có thể liên quan đến bệnh hẹp động mạch chi từ đó sẽ có những kiểm tra kỹ hơn cho người bệnh đồng thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng người. Cần hết sức lưu ý, tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu.

Trong một số trường hợp, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Theo thống kê nếu trong một năm người bệnh nặng không không được điều trị thì kết quả có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30 - 40% còn lại phải cắt cụt chi. Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Nếu người bệnh không điều trị tốt, tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao. Vì thế khi bệnh nhân bị tắc hẹp động mạch chi các bác sĩ sẽ phải kết hợp nhiều chuyên khoa, điều trị rất tích cực để hạn chế tối đa những biến chứng không mong muốn.

Lưu ý biến chứng loét chi

Biến chứng loét chi do bệnh tắc hẹp động mạch chi thường bắt đầu ở phần xa nhất của chi, tức là tại các đầu ngón tay hoặc ngón chân. Điều này là bởi, khi lượng mạch máu bị tắc hẹp tăng lên, lưu lượng máu cung cấp cho các chi bị giảm sút. Các phần chi ở xa không có đủ oxy và chất dinh dưỡng để duy trì sự sống, ngọn chi bắt đầu bầm tím, loét và hoại tử đen.

Phân độ nặng nhẹ loét chi được xác định dựa trên mức độ ảnh hưởng của biến chứng này đến khả năng đi lại của người bệnh. Nếu tình trạng loét chỉ xuất hiện ở đầu các chi thì được đánh giá là nhẹ. Ngược lại, nếu vết loét đã lan rộng tới nửa bàn chân hoặc đến gót chân thì được xem là nặng.

Bởi nếu người bệnh còn gót chân thì vẫn đi lại được nhưng mất gót chân thì chức năng đi lại gần như không còn. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ gây tắc hẹp động mạch chi, tình trạng nhiễm trùng cũng góp phần thúc đẩy lở loét chi diễn tiến nặng hơn. Ở những bệnh nhân tiểu đường nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch rất nặng nề.

Khá nhiều người quan tâm khi bệnh ở mức độ nào thì sẽ phải cắt bỏ chi. Tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thế mạnh đa chuyên khoa được khai thác triệt để nhằm mang lại cho người bệnh tắc hẹp động mạch chi phương án điều trị tối ưu. “Ưu tiên bảo tồn chi” là phương châm hàng đầu để điều trị biến chứng loét chi.

Trường hợp người bệnh mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp nong mạch máu nhằm tăng lưu lượng máu ở chi, đảm bảo các phần chi ở vị trí xa nhất nhận được đủ oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để có thể lành vết loét. Trường hợp người bệnh đã xuất hiện biến chứng loét hoại tử chi, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần chi đã chết nhưng ở mức tối thiểu, đồng thời kết hợp nong mạch máu để cải thiện tình trạng tắc hẹp cũng như hạn chế nguy cơ hình thành vết loét mới.

Quá trình điều trị là quá trình phức tạp phối hợp nhiều chuyên khoa, phải tận dụng nhiều biện pháp để cứu chi cho bệnh nhân đến khi nào không thể cứu được mới cắt chi. Ngoài những nỗ lực của các bác sĩ thì sự đồng hành cộng tác của bệnh nhân cũng hết sức quan trọng nếu không có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát khiến tình hình phức tạp hơn rất nhiều, kéo dài quá trình điều trị. Để phòng bệnh và việc chữa trị hiệu quả nếu mắc bệnh thì người bệnh cần quan tâm đến những thay đổi trong cơ thể, khám sớm khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào. Việc này sẽ giúp phát hiện bệnh sớm nếu bị và quá trình điều trị cũng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên không ít bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi các triệu chứng đã nặng. Cụ thể, gần đây viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận trường hợp người bệnh T.H.P. (69 tuổi, ngụ tại Tân Phú). Ông P. nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội cả hai chi, nửa bàn chân trái xuất hiện những vết loét nhỏ, có xu hướng lan rộng toàn bàn chân. Tại phòng khám khoa cấp cứu, sau khi thực hiện các xét nghiệm và đánh giá, bác sĩ xác định nguyên nhân khiến chân ông P. bị lở loét là do tắc hẹp động mạch chi. Người bệnh được chuyển đến khoa lồng ngực - mạch máu để tiến hành điều trị tích cực.

Các tin khác