Từ một “đốm lửa” trong khu công nghiệp ở Việt Yên, cuộc chiến chống Covid-19 đã không còn là của riêng Bắc Giang, mà là cuộc tổng tấn công của hàng ngàn cán bộ y, bác sĩ và các lực lượng quân đội, công an, tình nguyện khắp cả nước. Chúng tôi, những phóng viên thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế, đã được chứng kiến những gì chân thực và xúc động nhất diễn ra trong “trận chiến” cam go này…
Lần đi tác nghiệp đặc biệt
Ngày 14-5-2021, đốm lửa khơi mào cho “cuộc chiến” chống Covid-19 ở Bắc Giang bất ngờ xuất hiện tại nhà máy có tên Hosiden đặt trong Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên. Tia lửa rơi vào đúng nơi “dễ cháy” nhất – môi trường kín trong những xưởng sản xuất hàng ngàn công nhân, và quả nhiên sau đó số lượng ca mắc bệnh tăng liên tục, chỉ trong tuần đầu tiên con số đã là hơn 400 ca, rồi gấp đôi, gấp ba, gấp bốn cùng với hàng chục ngàn ca F1…
Chiều tối 17-5-2021, nhận được công văn từ Bộ Y tế thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ Bắc Giang chống dịch Covid-19 gửi qua Zalo, nhóm nhà báo chúng tôi vội vã gói ghém laptop, máy ảnh, vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân để kịp lên đường ngay sáng hôm sau. Không xe đưa đón, không điểm hẹn cụ thể, lại là đi chống dịch, chúng tôi lái xe đi mà trong đầu cả những háo hức lẫn băn khoăn, tự nhủ chuyến đi lần này sẽ rất khác…
“Đón khách” là những đường phố Bắc Giang vắng hoe hoắt với cái nắng nóng chói chang, nhà nhà cửa đóng then cài, chốt kiểm soát được lập ra khắp các đầu ngõ của tỉnh và lực lượng an ninh liên tục dừng xe kiểm tra giấy tờ.
Cuộc họp chớp nhoáng của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chủ trì, được nối tiếp ngay bằng cuộc họp ở UBND tỉnh với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Kể từ lúc đó, cánh cổng UBND tỉnh thường xuyên đóng mở để hàng xe chống dịch rầm rập ra vào. Toàn bộ phòng họp sáng đèn tối ngày phục vụ cho hàng chục cuộc họp từ trực tiếp đến trực tuyến liên tục.
Dịch tràn về đúng vào dịp bầu cử HĐND các cấp, càng khiến những bước chân thêm vội vã của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái, Chủ tịch tỉnh Lê Ánh Dương và các vị phó chủ tịch tỉnh. Gương mặt các lãnh đạo Bắc Giang chồng chất nỗi lo: đó là hàng vạn công nhân nghỉ việc, tất cả 4 KCN phải đóng cửa; hàng trăm ngàn ha vải thiều Lục Ngạn đã đến mùa thu hoạch cứ chực chờ bị ép giá, khó tiêu thụ; hàng ngàn ha lúa vào vụ gặt mà bà con không được ra đồng…
Đám phóng viên chúng tôi tay laptop, tay điện thoại lúc nào cũng bật sẵn ghi âm, máy ảnh tranh thủ chụp lia lịa chỉ những mong ghi lại những diễn biến càng nhiều càng tốt mà còn chẳng kịp biên tập.
Cả Bắc Giang cửa đóng then cài, hơn triệu người dân lẫn hàng chục vạn công nhân, chìm trong im ắng và nỗi nơm nớp dịch bệnh. Cho nên cái vẻ bên ngoài tĩnh lặng đìu hiu, chính là đám mây mờ đang bao phủ cuộc chiến thực sự ở phía sau, từ những khu cách ly, và những bệnh viện dã chiến, trung tâm ICU đang rầm rập được triển khai.
“Thần tốc” chống dịch, “hỏa tốc” tác nghiệp
Ngày 23-5-2021, chúng tôi đã ít nhiều “sững sờ” khi được chứng kiến những cảnh trong ngày Bầu cử HĐND lạ lẫm đến như vậy. Những “tổ bầu cử” kín mít trong bộ đồ bảo hộ, lóc cóc xe đạp, xe máy chở thùng phiếu đến từng hộ dân trong những khu cách ly, phong tỏa để nhận phiếu bầu. Bạn đọc hẳn cũng đã được thấy hình ảnh một người dân đang bị cách ly khu vực Núi Hiểu, huyện Việt Yên thò tay bỏ phiếu qua song sắt cửa nhà. Rồi những đoàn hàng trăm y, bác sĩ BV Việt Nam-Thụy Điển ở Uông Bí, Quảng Ninh đang hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, đã xếp hàng dài bỏ phiếu ở nhà khách UBND tỉnh Bắc Giang.
Trong khi ấy, chiếc xe biển xanh nhấp nháy đèn ưu tiên và tấm biển KHẨN CẤP đưa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – chỉ huy trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, đi khắp các điểm nóng nhất từ khu cách ly, cơ sở y tế trong toàn tỉnh để quán xuyến tình hình.
Tốc độ làm việc và di chuyển của ông đủ khiến các phóng viên “chóng mặt”. Bám theo ông với liên tục hành trình mỗi ngày là UBND tỉnh, BV Phổi tỉnh Bắc Giang, BV đa khoa tỉnh, BV Dã chiến Nhà thi đấu tỉnh, CDC tỉnh Bắc Giang và các cơ sở xét nghiệm hỗ trợ, và còn những khu cách ly, các nhà máy trong khu công nghiệp… Còn chúng tôi chỉ có cách “viết báo” sáng tạo là vừa ghi âm, “tốc ký” bằng điện thoại, người này ghi thì người kia chụp, đổi nhau liên tục.
Những giọt nước mắt và nụ cười
Đó cũng là lúc từng phóng viên chúng tôi có nhiều thời gian hơn để chứng kiến những cảnh đìu hiu trong các khu công nghiệp, cái nắng chói chang thường xuyên lên đến 40oC, như thể càng xoáy sâu nỗi bức bối cho hàng vạn công nhân trong nhưng dãy nhà trọ lúp xúp chỉ vài m2. Dân số cả huyện Việt Yên ba phần là công nhân, một phần tư là người dân địa phương, đang chung một nỗi niềm, trong bốn bức tường chật hẹp, trong cảnh thiếu thốn bộn bề và nghĩ về những người thân đang bị chia cắt, về tương lai u ám, mờ mịt ở phía trước.
Vì sự an toàn của bản thân và của cả những người trong đoàn, phóng viên dù đã “nai nịt” kín kẽ trong bộ quần áo bảo hộ bùng nhùng, bọc điện thoại, máy ảnh vào túi nilon thì vẫn phải giữ khoảng cách khá xa khi đặt chân vào những khu cách ly.
Có khoác bộ đồ “du hành” này, và “đi dạo” nhiều cây số khắp các khu cách ly, khu công nghiệp, các phóng viên càng cảm thấy khâm phục sức chịu đựng và sự tận tụy của khi chứng kiến hàng trăm y, bác sĩ trẻ BV Việt Nam-Thụy Điển, thầy trò Trường Đại Kỹ thuật Y tế Hải Dương và nhiều đội ngũ khác đã làm việc ngày đêm bất chấp thời tiết để lấy hàng trăm ngàn lượt mẫu xét nghiệm ở nhiều thôn, xã, huyện khắp Bắc Giang. Những đội ngũ “áo trắng” tuổi mới đôi mươi, đồ bảo hộ kín mít, miệt mài lao vào tâm dịch, gương mặt đỏ ửng hằn vết khẩu trang, bộ quần áo có thể “vắt ra mồ hôi”, người lả đi dưới bóng cây, vẫn cố nhoẻn miệng cười.
Chúng tôi cũng chẳng thể quên được hình ảnh tấm bảng nhỏ viết dòng chữ “cảm ơn bác sĩ đã cứu sống em” nguệch ngoạc bút đỏ của chàng thanh niên mới mấy hôm trước còn dây nhợ chằng chịt, phải thở máy, nay khấp khởi chuẩn bị ra khỏi trung tâm ICU BV Phổi Bắc Giang. Những bó hoa tươi thắm và các buổi lễ ra viện diễn ra liên tiếp với số bệnh nhân đón tin vui nhiều hơn, trong khi bên trong đó, là rất nhiều ekip các bác sĩ hồi sức tích cực của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Hưng Yên… đang gạt bỏ mọi nỗi lo lắng, trực tiếp giành giật từng mạng sống từ tay tử thần của các trung tâm ICU.
Tôi bị cuốn theo sự sởi lởi vui vẻ của ông chủ trường mầm non tư thục Âu Cơ, thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, đã tự nguyện dành “đứa con” quý giá của mình làm nơi cách ly cho hàng trăm người dân, và còn ở lại luôn để cùng cán bộ chăm nom, quản lý. Đến nỗi tôi quên khuấy việc chụp ảnh ông hoặc chụp cùng ông một bức ảnh kỷ niệm.
Hay mải mê trò chuyện với một chuyên gia Nhật Bản không trở về nước, tình nguyện cùng nhiều nhân viên của công ty xuất khẩu lao động ở thành phố Bắc Giang, ngày đêm chăm nom cơm nước, quét dọn “vô thời hạn, vô điều kiện” cho hàng trăm cán bộ y tế, đang lưu trú trong chính trụ sở của công ty. Những giọt nước mắt, lẫn nụ cười, khung cảnh “lạ lẫm” và cả nao lòng, đều đã được các phóng viên trong tâm dịch ghi lại, đăng tải với sự chân thực và nhanh chóng nhất để gửi đến những cơ quan truyền thông của cả nước.
Chuyến công tác đáng nhớ lột tả rõ nét sự tàn phá khốc liệt của dịch bệnh đối với mọi mặt của đời sống xã hội. “Đốm lửa” ở Việt Yên khép lại dần trong cuộc chiến không tiếng súng ở Bắc Giang, đã thắp sáng bóng dáng đội quân áo blouse trắng, và hơn cả, thắp lên tinh thần đoàn kết, tình người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.