Thế nhưng, sau khi bị CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) thâu tóm, TAG bất ngờ báo lỗ nặng nề trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Quý đầu tiên thua lỗ
Theo BCTC quý III (từ ngày 1-10 đến 31-12), TAG báo lỗ nặng gần 44 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý TAG đạt doanh thu 642,6 tỷ đồng (giảm 35% so với cùng kỳ năm trước), lãi gộp theo đó chỉ đạt hơn 56,5 tỷ đồng (giảm 62% so với cùng kỳ năm trước), biên lãi gộp trong quý chỉ đạt xấp xỉ 9%, giảm đáng kể so với mức 15% cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù chi phí bán hàng giảm so cùng kỳ, nhưng vẫn ở mức khá cao (gần 94 tỷ đồng) đã góp phần làm cho TAG chịu lỗ gần 44 tỷ đồng trong quý III-2017. Như vậy, 3 quý đầu tiên của niên độ tài chính 2017-2018, TAG đạt doanh thu gần 2.468 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận âm 55,5 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay TAG đối mặt với tình trạng thua lỗ.
MWG vừa công bố BCTC quý IV-2017 với lợi nhuận tăng trưởng đến 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với việc hợp nhất BCTC của TAG, kết quả kinh doanh của MWG sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong năm 2018. |
Theo thông báo mới nhất, MWG hiện đang nắm giữ cổ phần chi phối tại TAG với hơn 95% vốn điều lệ. MWG tiếp tục đăng ký mua tiếp từ các cổ đông nhỏ lẻ (khoảng 1,2 triệu CP) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%. Theo đăng ký, mức giá MWG chi ra để mua thêm 1,2 triệu CP TAG là 34.900 đồng/CP (tương đương 42 tỷ đồng). Như vậy, mức giá MWG chi ra để mua cổ phần của các cổ đông nhỏ lẻ TAG cũng gần tương đương với mức giá chuyển đổi của cổ đông chủ chốt TAG.
Trước đó, MWG đã nhận chuyển nhượng 95,2% vốn của TAG từ các cổ đông chủ chốt. Đổi lại, các cổ đông chủ chốt của TAG bao gồm: gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Kiên và cổ đông Nojima (Nhật Bản) mua vào gần 6,2 triệu CP phát hành riêng lẻ của MWG. Đây chính là lý do khiến cho CP TAG không bị tác động bởi thông tin thua lỗ. Chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, TAG tiếp tục đóng cửa ở mức 34.900 đồng/CP, mức giá không thay đổi sau 14 phiên giao dịch gần đây.
Liệu MWG có đứng ngoài cuộc khi thâu tóm TAG?
Tham vọng của MWG có quá đà?
Trước sự bão hòa của Thegioididong.com (mảng bán lẻ điện thoại, laptop), MWG có ý định tập trung nguồn lực để mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh có lãi trong năm 2018. Tuy nhiên, khác với trường hợp M&A trong lĩnh vực điện máy, lĩnh vực bán lẻ trong chuỗi Bách hóa Xanh hoàn toàn mới đối với MWG. Vì thế, việc cùng lúc xây dựng 2 chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở 2 lĩnh vực khác nhau hoàn toàn không dễ dàng đối với MWG, thậm chí khả năng thất bại rất lớn.
Trong khi đó, nếu mua lại TAG, MWG không chỉ tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc - vốn là điểm yếu của MWG - mà còn tận dụng được vị thế sẵn có của doanh nghiệp này. TAG hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung, trong đó Hà Nội là thị trường lớn nhất với 14 điểm bán.
Tại thị trường miền Bắc, MWG mới chiếm khoảng 30% thị phần mảng bán lẻ di động và 15% thị phần mảng bán lẻ điện máy, chỉ ngang bằng với các đối thủ như FPTshop, Media Mart và cả TAG. Theo tính toán, nếu sở hữu được TAG, MWG sẽ tăng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội lên khoảng 30%.
Tuy nhiên, việc TAG bất ngờ lỗ nặng dưới sự điều hành của MWG cho thấy tham vọng vươn ra toàn quốc của doanh nghiệp này không hề đơn giản. Thực tế, mảng kinh doanh bán lẻ điện máy đã có dấu hiệu bão hòa trong những năm gần đây, và quyết định “bán mình” của TAG cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Xuân Kiên cho biết: “Thị trường này không còn nhiều tương lai. Tôi đi một số nước, ở các thị trường phát triển và những nước trong khu vực, mức độ tiêu thụ đồ điện máy bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa. Tại nhiều nước, bình quân mỗi năm có tới cả trăm siêu thị điện máy đóng cửa. Đơn cử như Trung Quốc lên tới vài trăm siêu thị. Tại Nhật Bản, hệ thống siêu thị điện máy lớn nhất trong năm 2016 cũng đóng khoảng 100 siêu thị. Song song đó, xu thế phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử sẽ góp phần đẩy lĩnh vực chúng tôi đang kinh doanh đến ngưỡng bão hòa”.