Tái cấu trúc kinh tế: Thách thức xử lý nợ xấu

Tại 2 hội thảo “Nền kinh tế trước thử thách tái cơ cấu” và “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” diễn ra hôm qua 19-9, các chuyên gia đều nhìn nhận việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng đang gặp phải những thách thức không nhỏ, đặc biệt là việc xử lý vấn đề nợ xấu.

Tại 2 hội thảo “Nền kinh tế trước thử thách tái cơ cấu” và “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” diễn ra hôm qua 19-9, các chuyên gia đều nhìn nhận việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng đang gặp phải những thách thức không nhỏ, đặc biệt là việc xử lý vấn đề nợ xấu.

Tái cấu trúc để khôi phục lòng tin

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt lên như lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ tăng lên khoảng 23 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán 8 tháng 8 tỷ USD...

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro như lạm phát cả năm có thể lên 7%; sức ép đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2012; cú sốc về giá cả bên ngoài tăng (như xăng dầu); thu ngân sách; cách ứng xử với nợ xấu, giá vàng; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn…

Những điều này đã khiến lòng tin nhà đầu tư và người dân xuống thấp, thể hiện qua sự kiện người dân rút tiền do sự kiện của ACB vừa qua. Do vậy, năm 2013 và những năm tới, chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 15%. “Việt Nam mong muốn kinh tế thế giới sẽ tốt hơn để có những tác động tích cực, nhưng điều này rất khó khăn khi kinh tế thế giới vẫn đầy bất định” - ông Thành nhận xét.

Về việc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, theo ông Võ Trí Thành, điều thuận lợi cho quá trình này là đã có sự đồng thuận về chính trị. Theo đó, đề án tái cấu trúc hệ thống DNNN sẽ giảm còn khoảng 7 tập đoàn kinh tế; cổ phần hóa gần 700 trong số 1.300 DNNN vào năm 2015; minh bạch hóa DN thông qua những yêu cầu đối với công ty niêm yết, công ty đại chúng.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất của việc tái cấu trúc là vượt qua được lợi ích của nhóm người đang gắn chặt với những siêu lợi nhuận từng mang lại cho họ, đến dòng tiền lớn, quyền lực của những người có liên quan. Do vậy, điều quan trọng nhất trong quá trình này là phải thay đổi tư duy, nghĩa là phải nghĩ khác, sống khác, làm khác chứ không chỉ thay đổi một cách đơn thuần.

Xử lý nợ xấu - cốt tử nền kinh tế

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), để tái cấu trúc DN, ngân hàng thành công phải xử lý được nợ xấu, bởi đây là vấn đề cốt tử của nền kinh tế. Với xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nước ta đang có cách tiếp cận chủ động trong tái cấu trúc hệ thống này.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần làm rõ các ẩn số có liên quan đến mô hình/định dạng hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu; nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu; vai trò của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) trong quá trình tái cơ cấu; cơ quan đầu mối và phối hợp trong quá trình thực hiện tái cơ cấu; mối liên hệ giữa tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN cũng như phương pháp/cách thức đánh giá hiệu quả của quá trình tái cấu trúc.

Giải quyết quyết nợ xấu trong DNNN và ngân hàng là vấn đề cốt tử của nền kinh tế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Giải quyết quyết nợ xấu trong DNNN và ngân hàng
là vấn đề cốt tử của nền kinh tế. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chia sẻ điều này, tại hội thảo “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”, các chuyên gia tài chính cho rằng kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới được tiến hành theo 3 bước cơ bản.

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng.

Thứ hai, thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu. Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này.

Thứ ba, tạo cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.

Hiện nay có quan điểm để tự bản thân DN, ngân hàng xử lý nợ xấu Tuy nhiên, ý kiến của đa số là cần sự can thiệp của Nhà nước và cần có định chế để xử lý nợ xấu. Định chế này phải đủ tiềm lực vì nợ xấu liên quan đến DNNN, ngân hàng mà quy mô, tiềm lực của DATC không đủ giải quyết.

Định chế để xử lý vấn đề nợ xấu phải được giám sát chặt chẽ tránh tổn thất Nhà nước, tránh mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó. “Thị trường nợ của Việt Nam hiện chưa phát triển. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần đặt ra nguyên tắc cho thị trường để làm sao minh bạch, phát triển. Trong đó, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình này trong việc hỗ trợ kỹ thuật tổng thể, nguồn lực tài chính vào định chế nợ xấu, để từ đó có thể tham gia sân chơi này trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp” - ông Võ Trí Thành trình bày quan điểm.

Các tin khác