Cuối tuần trước, BIDV đã ký thỏa thuận hợp tác với hai ngân hàng GP.Bank và BacABank. Nội dung thỏa thuận ghi rõ, BIDV và GP.Bank, BacABank sẽ hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, thanh toán trong nước và quốc tế, hợp đồng tài trợ, hoạt động ngân hàng bán lẻ…
Cụ thể, trong lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, BIDV cam kết hỗ trợ thanh khoản đến 8.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.000 tỷ đồng dành cho GP.Bank và 3.000 tỷ đồng cho BacABank với lãi suất thỏa thuận, ưu đãi.
Hạn mức này sẽ được xác định cụ thể từng thời kỳ, được rà soát, điều chỉnh định kỳ theo quy định của BIDV và tùy thuộc vào khả năng của Ngân hàng vào thời điểm hỗ trợ…
Trên thực tế, việc các ngân hàng nội địa ký những hợp tác thỏa thuận song phương, toàn diện nhằm liên kết với nhau là câu chuyện rất bình thường vẫn được triển khai trước đây.
Thí dụ, Sacombank đã từng ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh toàn diện với Habubank và MB; hoặc Agribank ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong hỗ trợ kinh doanh với ABBank SCB. Hay trước đó, SCB cũng đã từng ký thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với BIDV và tiếp theo là VCB…
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN nêu quan điểm trong buổi họp báo sau lễ ký kết tại BIDV: "Những hoạt động hợp tác này là minh chứng về xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng, tạo tính liên kết, đồng thời đóng góp vào quá trình phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung".
Tuy nhiên, dù thông tin về thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và hai ngân hàng được đưa ra rất cụ thể, nhưng trong thời điểm đang có rất nhiều tin đồn thất thiệt về tính thanh khoản của một vài ngân hàng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho biết, đã có những ý kiến thắc mắc: liệu có phải do GP.Bank và BacABank có quy mô nhỏ, đang khó khăn về thanh khoản nên tìm cửa "chạy trước"?
Ông Lê Công, Tổng giám đốc MB nhận định, cần phải hết sức quan tâm điều tra và xử lý nghiêm những tin đồn trên thị trường, bởi nó không chỉ gây tác động xấu cho một ngân hàng nào đó mà còn có thể gây tác động đối với toàn hệ thống. Còn ông Hà cũng cho rằng, không phải cứ ngân hàng quy mô nhỏ là khó khăn về thanh khoản, mà vấn đề quan trọng là cách thức và chiến lược đi của từng ngân hàng.
"Do vậy, chúng tôi không đặt câu chuyện so sánh giữa quy mô to, nhỏ mà ở đây sự hợp tác là tự nguyện dựa trên cơ sở tìm hiểu, phân tích, đánh giá chất lượng, định hướng phát triển của từng ngân hàng", ông Hà nhấn mạnh và cho biết thêm: "Quá trình tìm hiểu đã được chúng tôi tiến hành từ rất lâu, buổi lễ ký kết này đơn giản chỉ là sự hợp thức hóa tiến trình hợp tác. Những hạn mức dự phòng được ký để tương hỗ khi có nhu cầu, chứ không nhằm xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt".
Đại diện GP.Bank, ông Tạ Bá Long, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng nói: "Dù không phải là ngân hàng có quy mô lớn, nhưng GP.Bank rất tự tin để phát triển hoạt động. Và để hiện thực hóa quyết tâm đó là định hướng chiến lược hoạt động song hành cùng sự kết nối với sức mạnh của ngân hàng bạn".
Ông Tiến cũng cho biết thêm, thời gian qua có rất nhiều thông tin xung quanh việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tiến trình này thực chất là nhằm giúp hệ thống vượt qua những khó khăn tạm thời trước mắt, củng cố để phát triển mạnh hơn, bền vững và an toàn hơn…
"Chính phủ, các cơ quan nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng quy mô lớn cũng sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trong quá trình tái cấu trúc, chúng ta vẫn có những ngân hàng quy mô lớn và nhỏ, quan trọng là hoạt động phải lành mạnh, gắn kết lẫn nhau để cùng có những bước phát triển cao hơn" - ông Tiến nói.