Tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo SGGP tổ chức tuần qua, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chia sẻ với các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách về xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế bao gồm nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc phát triển các công cụ tài chính hỗ trợ xanh hóa nền kinh tế như tín dụng xanh, trái phiếu xanh (TPX) và thị trường carbon vẫn còn chờ hành lang pháp lý.
Tài chính xanh: Đã triển khai nhưng chưa mạnh
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cho rằng tài chính xanh đang là xu thế của thế giới, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng phải đi theo xu thế này.
Vì vậy số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Và phát triển TPX, tín dụng xanh cùng thị trường carbon trong nước và quốc tế là vấn đề cần thiết.
Đồng tình với quan điểm đó, TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế số, cho biết trong xu thế thế giới và tại COP26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero).
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo. |
Đó mục tiêu rất tham vọng, nên nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Vì vậy để nhanh chóng tiến tới mục tiêu, cần thúc đẩy tài chính xanh, trong đó bao gồm phát hành TPX và tín dụng xanh để thực hiện xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế.
Liên quan đến tín dụng xanh, theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Agribank khu vực miền Nam, đến 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế), tập trung các lĩnh vực như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh.
Cùng với định hướng ưu tiên cung ứng vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhà băng này cũng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và có chính sách ưu đãi cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả thân thiện với môi trường. Hiện mức cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và kinh tế xanh có lãi suất rất thấp.
Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng giám đốc HDBank, cho biết ngân hàng (NH) đã tiên phong cấp tín dụng xanh trong thời gian qua. Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng xanh là 11.000 tỷ đồng.
Để tìm được nguồn vốn giá rẻ cho vay xanh, những năm qua HDBank đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các định chế tài chính quốc tế uy tín như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Định chế Tài chính Phát triển thuộc NH Tái thiết KFW của Đức (DEG), Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco), NH Phát triển châu Á (ADB) và NH Thế giới (WB).
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Như vậy, các NH cũng đã sớm bắt tay vào việc phát triển tín dụng xanh trong nước. Dẫu vậy trên mặt bằng chung, số liệu từ NHNN cho thấy đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh chỉ đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).
Với tỷ trọng khiêm tốn như vậy, các đại diện nhà băng nêu lý do là đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh vẫn cần có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ. Bởi lẽ theo TS. Hồ Quốc Tuấn, các dự án chuyển đổi xanh có thể tiềm ẩn rủi ro cao do thời gian hoàn vốn dài, trong khi không chắc chắn trong khả năng tạo ra dòng tiền tương lai. Trong khi đó, muốn khuyến khích phát triển dự án xanh cần duy trì chi phí vốn thấp cho các dự án này. Điều này khiến các NH e ngại cho vay vì lo nguy cơ nợ xấu.
“Vốn xanh” vay ở đâu?
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), để chuyển đổi xanh DN rất cần các chương trình tài chính xanh. Hiện đại bộ phận DN Việt Nam là nhỏ và vừa, nên để tự thân mỗi DN đứng ra phát hành TPX là điều rất khó.
Vậy nên các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành TPX cho DN vay lại theo quá trình chuyển đổi của DN.
Ở thời điểm hiện tại, khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn để phát triển các dự án xanh trong nước, nhiều DN lớn đang phải “xuất ngoại”. Ông Trường An, đại diện CT Group chia sẻ, đơn vị này đang có viện nghiên cứu tại Pháp, chuyên sử dụng thuật toán AI để nghiên cứu các công nghệ tối ưu việc tiêu thụ năng lượng trong các khu công nghiệp, nhà máy và lĩnh vực logistics.
Ngoài ra, CT Group còn phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero…
Thế nhưng, DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, TPX để phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thụy Sỹ… vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các DN startup về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Ban chủ tọa hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Vậy giải bài toán này thế nào? TS. Trần Văn nêu lên một thí dụ cụ thể, TPHCM đang có chủ trương chính sách về chuyển đổi kinh tế phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững. Hiện tại, đầu tư công về phân cấp cho chính quyền tại TPHCM cũng đã mạnh hơn.
Bên cạnh đó, có thể là TPX của chính quyền thành phố đầu tư trực tiếp hoặc là hỗ trợ một phần để cho DN theo hình thức đối tác công tư (PPP) giúp giảm gánh nặng tài chính cho các DN tham gia vào dự án xanh.
Theo TS. Trần Văn, các tính toán cho thấy, chuyển đổi xe buýt từ chạy diesel sang chạy điện có thể giảm 4 gram khí thải nhà kính mỗi ngày, trong một năm có thể giảm được 170-230 ký khí thải nhà kính.
Nếu một thành phố lớn trên thế giới chuyển đổi được 1.500 xe như vậy, họ sẽ giảm được khoảng 45-49 tấn khí thải carbon. Đó là những con số cụ thể để khi triển khai có thể cho người dân và DN biết việc tham gia mua TPX sẽ làm cho môi trường tốt hơn như thế nào.
Tuy nhiên, TS. Văn cũng nhấn mạnh, đây là sản phẩm trái phiếu nên phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu của thị trường vốn và cũng cần phải có những quy định rất chặt chẽ. Nếu TPX do thành phố phát hành phải có các cam kết của thành phố.
Còn nếu TPX do DN phát hành phải có những cam kết về lãi suất, thời hạn và khả năng mua lại khi người dân có nhu cầu bán. Bắt đầu từ những quy định của pháp luật, sau đó đến các danh mục các công trình dự án cụ thể.
Chẳng hạn, TPHCM có rất nhiều dự án như dự án phát triển điện gió ngoài khơi ở Cần Giờ; chuyển đổi phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự tiêu tự sản đối với sản xuất công nghiệp cũng như người dân để giảm gánh nặng điện than, điện khí; những công trình chuyển đổi xe buýt sang chạy điện; hệ thống điều khiển giao thông và hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng tái tạo; nhà máy đốt rác để phát điện...
Đó là những danh mục rất cụ thể, TPHCM có thể tính tổng mức đầu tư và định ra mục nào thành phố sẽ tự làm, mục nào hỗ trợ DN làm.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để TPX có thể phổ biến được ở Việt Nam, cần phải quan tâm đến 4 điểm.
Thứ nhất, nhà phát hành sử dụng vốn đó như thế nào, cho những công trình gì, những dự án gì? Thứ hai, những dự án đó phải được thẩm định một cách chặt chẽ.
Thứ ba, các nhà phát hành phải cho biết quản lý dòng vốn để trở thành nguồn trả nợ cho các TPX như thế nào. Thứ tư là điểm quan trọng nhất ở Việt Nam, các báo cáo từ nhà phát hành, báo cáo từ các công ty kiểm toán và kể cả từ các cơ quan chức năng phải minh bạch.
Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội trước mắt nhưng vẫn mơ hồ
Tại Việt Nam, thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu net zero thời gian tới. Bởi thị trường vận hành theo nguyên tắc, “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon.
Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Và để thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ carbon được công khai, minh bạch, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, kết nối với thị trường khu vực và trên thế giới.
Thế nhưng, câu hỏi cũng xuất hiện ngay từ đây. TS. Tô Xuân Phúc, Nghiên cứu viên của Trường Chính sách công Crawford của Đại học Quốc gia Australia, nhận định Việt Nam đưa ra sàn giao dịch tín chỉ carbon, nhưng câu chuyện giữa người mua và người bán trong thị trường này như thế nào, giá cả ra sao vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt người mua quốc tế tham gia như thế nào cũng cần có quy định chi tiết.
Cũng theo TS. Phúc khi nói về thuật ngữ tín chỉ carbon, cần hiểu rõ trên thế giới hiện có khoảng 170 loại tín chỉ carbon khác nhau và mức giá cũng khác nhau, phụ thuộc vào loại hình dự án sản sinh ra tín chỉ đó.
Vậy tín chỉ carbon của Việt Nam là gì, hiện tại bây giờ chúng ta chưa rõ. Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang thực hiện khoảng 3 dự án lớn hướng vào lâm nghiệp để sản sinh tín chỉ carbon, nhưng những tín chỉ này chủ yếu là để Chính phủ đáp ứng những cam kết quốc tế về giảm phát thải, và rất ít cơ hội cho các khối tư nhân tham gia vào.
Lúc này những ngành cần mua tín chỉ như dệt may sẽ mua ở đâu. Thị trường carbon sản sinh trong nước có kết nối với quốc tế hay không, kết nối như thế nào cũng là câu hỏi cần được quan tâm.
Nói về vai trò của DN, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định, tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon là 2 chủ đề nóng mà DN quan tâm, nhưng mức độ nhận thức của DN còn thấp.
Cũng theo bà Thủy, việc tạo tín chỉ carbon không đơn giản. Thời điểm này theo thống kê của các chuyên gia hầu hết dự án tạo ra được tín chỉ carbon chỉ có điện tái tạo, điện mặt trời, còn những tín chỉ dựa trên điều kiện tự nhiên như đất đai cực kỳ khó vì vướng những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng.
Bà Thủy cho biết khi làm việc với DN, câu hỏi nhận được nhiều nhất lúc này là DN cần làm gì đầu tiên. Một trong những việc làm càng sớm càng tốt là kiểm kê khí nhà kính.
Quyết định 01 của Thủ tướng năm 2022 quy định Danh mục 1912 DN phải kiểm kê khí nhà kính. Kiểm kê này cho DN biết mức phát thải hiện tại của mình đang như thế nào và đâu là nguồn phát thải lớn nhất. Khi biết được rồi thì DN mới có kế hoạch giảm. DN có thể thuê tư vấn hoặc tự làm.
Do vậy bà khuyên DN trong hoạt động kiểm kê cho phép DN làm và bổ sung trong các kỳ kiểm kê tiếp theo nên đừng sợ sai, đừng sợ đợt kiểm kê đầu tiên không chính xác.
Bộ, ngành phải vào cuộc mạnh mẽ
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng bên cạnh khung pháp lý đang bị bỏ ngỏ, thì có một khoảng cách quá lớn giữa nỗ lực của cơ quan nhà nước và DN. Đó là nỗ lực của 2 bên đang không gắn kết và chia sẻ với nhau.
“Vừa rồi làm việc với các địa phương, nhiều câu hỏi đặt ra, bộ nói đã làm rất nhiều việc, nhưng DN nói không biết, các tỉnh cũng nói không biết. Từ đó cho thấy TPHCM muốn đi đầu phải có nhiều sáng kiến. Vì không có sự chuyển đổi nào mà không có bàn tay DN, đó mới là "người chơi" chính”- bà Thủy chia sẻ.
Với câu chuyện DN cần kiểm kê khí nhà kính, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, nhắc đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.
Theo bà Ngọc, về bản chất CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn, từ tháng 10 năm nay CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp, tức nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.
Trong giai đoạn này, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện.
Vậy DN nên làm gì? Bà Ngọc cho rằng trước mắt các DN cần xây dựng báo cáo phát thải và phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
DN cũng cần tự đánh giá lượng phát thải khí nhà kính, xác định các khu vực xả thải carbon nhiều trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong cả 3 phạm vi: lượng phát thải khí nhà kính phát sinh trực tiếp, gián tiếp; tính toán tất cả nguồn khí thải từ gián tiếp khác phát sinh từ chuỗi giá trị của DN.
Dựa trên những thông tin đã được xác định phía trên, DN có thể xây dựng lộ trình giảm thiểu carbon có tiêu chí định tính và định lượng cũng như thời gian triển khai rõ ràng.
Bàn thêm về câu chuyện thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam, bà Ngọc cho rằng hiện còn nhiều vấn đề Việt Nam cần xem xét cho phù hợp bối cảnh, như việc nên đi theo thị trường tín chỉ carbon bắt buộc hay tự nguyện, có nên áp dụng thuế carbon hay không. Một số nước phát triển như Mỹ không đặt ra thuế carbon, trong khi một số nước xung quanh Việt Nam có áp dụng.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bày tỏ: “Chúng ta mong muốn tăng trưởng kinh tế từ 7,5-8% mỗi năm để trở thành nước công nghiệp hóa, nhưng lại phải hạn chế khí thải nhà kính. Có thể nói đây là bài toán hết sức nan giải”.
Theo TS. Phước có rất nhiều câu hỏi mà các bộ, ngành sẽ phải trả lời liên quan đến thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời ông Phước cho rằng giữa bài toán tăng trưởng và giảm phát thải cần chia thành nhiều bài toán “con”, như vậy mới có thể tối ưu hóa các mục tiêu đề ra.